Lấy âm nhạc để đẩy lùi vấn nạn giao thông

Trương Trung Hưng - xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhạc phẩm “Từ một ngã tư đường phố” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sống trong đời sống 40 năm và trở thành một tác phẩm thân thuộc trong tuyên truyền văn hóa giao thông.

Nhịp điệu vui tươi, lời dễ thuộc, dễ hiểu, nên có tác dụng tuyên truyền rất lớn, đặc biệt ở tầng lớp thanh thiếu niên. Tuyên truyền văn hóa giao thông bằng âm nhạc vì thế rất cần được khích lệ.
Ca khúc sống mãi với thời gian

Có rất nhiều ca khúc đi cùng năm tháng, nhưng trong lĩnh vực giao thông có lẽ chỉ có "Từ một ngã tư đường phố". Thậm chí, trong giai đoạn hiện tại, ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vai trò của nhạc phẩm này còn lớn hơn cả lúc mới "chào đời". Nhịp sống đô thị hối hả, ai cũng cố nhanh, cố vượt, bất chấp đèn đỏ, không chỉ khiến các ngã tư thêm ùn tắc, rối rắm, mà còn khiến văn hóa giao thông ngày càng đi xuống.

Loa tuyên truyền ATGT tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ. Ảnh:  Thanh Hải

Sức sống mãnh liệt của mỗi tác phẩm chứng tỏ sự phản ánh và ăn nhập với đời sống. Đó là sự khớp nhịp về thời đại và công chúng tiếp nhận. Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại "Từ một ngã tư đường phố" vẫn lay động ý thức của hàng triệu người tham gia giao thông. So với các hình thức tuyên truyền khác về giao thông như băng rôn, áp phích, cuộc thi, tiểu phẩm, âm nhạc có thế mạnh riêng. Bằng giai điệu và ca từ, bài hát ngấm vào trái tim những người điều khiển phương tiện giao thông theo cách giản dị nhất. Tại các ngã tư chờ đèn đỏ, thói quen ê a nhẩm theo lời bài hát phát trên loa của người dân trở thành điểm nhấn đẹp của văn hóa giao thông. Dần dần nó trở thành động lực thay đổi nhận thức, chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông một cách tự nguyện nhất.

Hãy khuyến khích nhạc sĩ

Một điều dễ nhận thấy là "Từ một ngã tư đường phố" quá đơn độc trong cuộc chiến đẩy lùi tai nạn và ùn tắc giao thông. Hầu hết, tại các ngã tư ở Hà Nội hiện nay đều phát ca khúc này. Tuy là tác phẩm hay, thân thuộc và dễ nhớ, nhưng nếu không có cách đổi mới nội dung, ca khúc dễ tạo ra sự nhàm chán. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khuyến khích, động viên các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về an toàn giao thông hoặc sáng tác lời dưới nền nhạc của các ca khúc quen thuộc.

Có rất nhiều ca khúc cuốn hút giới trẻ hiện nay với nhạc điệu vui tươi như "Bống Bống Bang Bang", "Em của ngày hôm qua", "Thu cuối"… Từ thực tế này, các cơ quan chức năng có thể đặt hàng, khuyến khích giới nhạc sĩ viết thêm lời với nội dung tuyên truyền văn hóa giao thông. Với nhịp điệu đã thân quen ắt dễ đi vào lòng người. Từ đây, khiến người tham gia giao thông hứng thú hơn trong khi chờ đèn đỏ. Không còn coi “99 giây đèn đỏ” là “tra tấn” mà cố vượt để xảy ra tai nạn thương tâm.

Các sáng tác của nghệ sĩ đều là đứa con tinh thần sáng tạo vô giá. Họ sẽ truyền vào ca khúc của mình một sức sống mới lạ, một thông điệp rõ ràng xoay quanh chủ đề thúc đẩy người dân chấp hành luật giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Cần cơ chế khuyến khích hoặc một cuộc thi rộng rãi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông. Bên cạnh đó khi phát các ca khúc này tại các ngã tư có thể thêm màn hình led video về quá trình sáng tác của tác giả. Hiện nay, tại một số ngã tư chúng ta đang quá thiên về quảng cáo cho DN mà ít quan tâm đến các vấn đề mang tính chất sự nghiệp, cộng đồng.

Giao thông ở Hà Nội là giao thông hỗn hợp, định hướng đẩy mạnh giao thông công cộng và giao thông xanh, cơ sở hạ tầng đang được gấp rút xây dựng mà xây dựng hệ thống giao thông có trước nên rất khó khăn và cần sự chung tay, góp sức của người dân. Việc tuyên truyền và định hướng người dân thông qua đa dạng các loại hình vì thế rất quan trọng. Hãy phát huy thế mạnh của âm nhạc, để có thêm thật nhiều “Từ một ngã tư đường phố" hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần