Lấy lại đà tăng, dầu Brent ở mức 93,65 USD/thùng 

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà sản xuất dầu mỏ không có ý định tăng sản lượng khai thác, căng thẳng Nga – Ukraine gia tăng khiến giá dầu hôm nay lấy lại đà tăng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 19/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 90,52 USD/thùng, tăng 0,48 USD/thùng trong phiên.

Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 93,65 USD/thùng, tăng 0,68 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, trước thông tin các nhà sản xuất dầu mỏ không có ý định tăng sản lượng khai thác, bất chấp giá dầu có lên mức 100, 150 hay 200 USD/thùng khiến giá dầu ngày 19/2 lấy lại đà tăng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg Television, Giám đốc điều hành của Pioneer Scott Sheffield nêu rõ: Cho dù đó là giá dầu 150 USD, 200 USD hay 100 USD, chúng tôi sẽ không thay đổi kế hoạch tăng trưởng của mình.

Tuyên bố này là khá bất ngờ bởi trước đây, khi giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng thường sẽ làm dấy lên một chiến dịch khoan mới của các công ty khoan độc lập tại các mỏ đá phiến ở Mỹ.

Những công ty như: Pioneer Natural Resources Co., Devon Energy Corp. và Harold Hamm's Continental Resources Inc, vừa đưa cam kết mức tăng sản lượng năm 2022 không quá 5%.

Trong khi đó, Saudi Arabia cũng đã thẳng thừng từ chối hợp tác với Mỹ để hạ nhiệt giá dầu và khẳng định sẽ tuân thủ mức sản lượng được phân bổ theo thoả thuận tăng sản lượng của OPEC+.

Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi sự gia tăng lo ngại xung quanh vấn đề Nga – Ukraine khi Mỹ và nhiều nước đồng minh liên tục đưa cáo buộc về việc Nga đang tìm cớ để tấn công Ukraine, một ngày sau khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai xảy ra ở miền Đông Ukraine.

Ngược lại, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng đang bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed sắp thực hiện tăng lãi suất.

Giá dầu thô đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021 khi mà trạng thái mất cân đối cung cầu ngày càng lớn trước đà phục hồi mạnh của nhu cầu và năng lực cung ứng hạn chế của các nhà sản xuất. Trạng thái này được cho sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu như xung đột Nga – Ukraine xảy ra và khi đó giá dầu có thể vọt lên mức 3 con số với những dự báo có thể lên tới 150, thậm chí là 200 USD/thùng.

Dữ liệu thống kê từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy, mức tiêu thụ nhiên liệu hiện đã đạt 98% mức trước đại dịch nhưng nguồn cung thì mới phục hồi được 95%.

Còn theo Bloomberg Intelligence, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang phục hồi mạnh thì đầu tư cho thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Bắc Mỹ lại rất hạn chế, chỉ vào khoảng 45,4 tỷ USD, tăng hơn mức 32,7 tỷ của năm 2020 nhưng lại thấp hơn nhiều con số 58,2 tỷ USD của năm 2019.