70 năm giải phóng Thủ đô

Lấy lại niềm tin của khách hàng bằng chữ tín

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án chậm triển khai, tiến độ và chất lượng chưa đảm bảo, người dân mòn mỏi đợi ngày nhận nhà là những câu chuyện quá quen thuộc với thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua.

Lấy lại niềm tin của khách hàng bằng chữ tín - Ảnh 1
 
Dự án Nam Đô Complex đang hoàn thiện để bàn giao vào tháng 7/2013.
 
Để lấy lại niềm tin người tiêu dùng, không gì khác, các doanh nghiệp phải nghiên cứu định vị lại thị trường, xây dựng giá cả hợp lý cho các sản phẩm. Và điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được tiến độ và chất lượng của công trình. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí toàn cầu GP INVEST.

Là người có nhiều năm lăn lộn trên thị trường BĐS, ông đánh giá thế nào về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng hiện nay?

- Trước đây, cứ nghe nói có dự án là khách hàng tìm đến, họ đến mua chủ yếu để đầu tư nhằm hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác rất nhiều. Khách hàng tìm mua nhà chủ yếu là những người có nhu cầu thật về nhà ở. Vì vậy, khách hàng bây giờ thận trọng và cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua. Họ thường tìm hiểu rõ về dự án, thời gian hoàn thành, đồng thời thường xuyên đến công trường để theo dõi tiến độ xây dựng, tận mắt kiểm tra chất lượng. Điều này khiến các chủ đầu tư làm việc nghiêm túc hơn.

Những điều ông vừa nêu liệu đã đủ vực dậy niềm cho khách hàng?

- Làm thế nào để khách hàng có niềm tin là câu hỏi lớn đối với nhiều nhà đầu tư hiện nay. Khủng hoảng của thị trường BĐS vừa qua chính là một cách để sàng lọc các doanh nghiệp. Song để khách hàng có niềm tin, điều quan trọng với doanh nghiệp là phải giữ chữ tín, giữ đúng cam kết về tiến độ, chất lượng dự án và luôn quan tâm đến chính sách về giá cả, hậu mãi sau bán hàng cũng như dịch vụ quản lý. 

Giảm giá cũng là một cách để hút khách, nhưng đâu là cách làm hợp lý, thưa ông?

- Có nhiều cách để giảm giá thành và thu hút khách. Muốn giảm giá, chủ yếu hiện nay là phải tiết kiệm chi phí bằng phương thức quản lý, đẩy nhanh tiến độ, kiểm tra, kiểm soát bằng đấu thầu chặt chẽ, công nghệ mới… Cụ thể, dùng công nghệ mới dự ứng lực để giảm thép sàn, gạch nhẹ, vật liệu không nung, làm giảm tải trọng tòa nhà. Trả tiền đúng thời hạn cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí. Với những cách thức đó không những giảm được giá thành mà còn tăng uy tín chủ đầu tư.

Vừa qua, Hà Nội đi đầu trong việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Ông nghĩ gì về điều này?

- Chúng ta nới lỏng nhưng mới chỉ dừng ở việc cấp sổ đỏ có thời hạn cho người nước ngoài mua chung cư. Chủ trương này nên được khuyến khích và cởi mở hơn nữa, vì có người nước ngoài tham gia giao dịch trên thị trường sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư phải làm ra sản phẩm tốt hơn, tổ chức hệ thống quản lý, dịch vụ đảm bảo, chất lượng hơn. Như vậy cũng góp phần ổn định tâm lý khách hàng trong nước, tạo môi trường giao lưu, đa dạng văn hóa. Mặt khác, chúng ta đang khuyến khích đầu tư nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, sinh sống. Việc người nước ngoài mua nhà là tất yếu, nên càng cần sớm có những chính sách cụ thể, hợp lý.

Theo dự báo của ông, bao giờ thị trường BĐS sẽ hồi phục trở lại?

- Thị trường BĐS Việt Nam đang vận động theo quy luật chung, hiện tại, thị trường đã và đang hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương… bước đầu đã tạo được hiệu ứng tâm lý tốt, lấy lại niềm của người tiêu dùng cho thị trường. Ngoài ra, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, việc giảm giá dừng lại, thị trường không xuống nữa cũng là những tín hiệu tích cực, tạo đà đi lên cho BĐS.

Về phía các doanh nghiệp, không nên cứ ngồi chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ mà phải chủ động thay đổi, tự tìm ra những giải pháp phù hợp cho mình để sớm vượt qua khó khăn.

Xin cảm ơn ông!