Tỷ lệ xử lý chưa tương xứng với vi phạm
Theo đó, báo cáo tham luận của Bộ Công an đánh giá, những năm qua, cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật, ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù vậy, dưới tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, đã làm cho chất lượng môi trường tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn tài nguyên bị suy giảm nghiêm trọng, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, hình thành một số điểm nóng về an ninh trật tự (ANTT).
Trong đó, đáng chú ý là những vi phạm về quản lý, xử lý chất thải rắn nguy hại, nước thải, hóa chất ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề diễn ra phổ biến làm cho nguồn nước ở nhiều nơi bị ô nhiễm, dần khan hiếm và có nguy cơ mất an ninh, an toàn.
Không chỉ chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe của con người, cũng như những nguy cơ lớn đối với an ninh môi trường, ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Với định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công tác bảo vệ môi trường, trong đó công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về BVMT đã được Bộ Công an thực hiện quyết liệt. Từ năm 2016 đến tháng 6/2022, lực lượng công an đã phát hiện 156.328 vụ việc vi phạm của 173.010 đối tượng; trong đó: khởi tố, đề nghị khởi tố 2.129 vụ, 3.147 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 142.908 vụ, 149.459 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1.976 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được giải quyết. Trong đó, việc nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trên một số lĩnh vực, địa bàn còn chậm, đôi khi bị động trước các tình huống phức tạp về môi trường. Kết quả phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số lĩnh vực, địa bàn chưa tương xứng với thực trạng tình hình, tỷ lệ xử lý hình sự về môi trường còn thấp.
Lấy phòng ngừa làm nền tảng
Lý giải nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, báo cáo của Bộ Công an cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường nói chung, cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) nói riêng về môi trường thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên còn có những sơ hở, bất cập so với diễn biến tình hình thực tế, trong khi vi phạm diễn ra ngày nhiều, phương thức, thủ đoạn đối phó cũng ngày càng tinh vi.
Do đó, để tăng cường công tác PCTP, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường, gắn với việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian tới lực lượng Công an Nhân dân tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an về công tác BVMT.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường nói riêng, nhất là trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên.
Chỉ đạo lực lượng bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật có liên quan đến công tác PCTP về môi trường. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, sơ kết, tổng kết công tác thi hành pháp luật để phát hiện những bất cập, vướng mắc, sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, pháp luật, qua đó có kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực này.
Đặc biệt, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về môi trường sẽ được đẩy mạnh thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lấy phòng ngừa xã hội làm nền tảng cơ bản. Thường xuyên thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, tài nguyên tuyên truyền cho nhân dân nắm và tự giác thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đổi mới các mặt công tác, đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ, xác định đây là vũ khí sắc bén, là “khâu quyết định” trong công tác PCTP.
Mặt khác, Bộ Công an cũng củng cố và tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong PCTP về môi trường. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về môi trường, lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế… Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm minh, ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.