Không gian xanh quan trọng nhưng còn thiếu
Theo kết quả khảo sát ý kiến về không gian công cộng và thăm dò quan điểm của người dân Hà Nội về việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho thấy, 92% số người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ; 79% nhìn nhận Hà Nội đang thiếu không gian công cộng; 93% số người dân được hỏi muốn nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm trong nội đô chuyển đi được thay bằng công viên.Kết quả khảo sát này phần nào cho thấy nhu cầu thụ hưởng những tiện ích công cộng hiện đại, đa năng, quảng trường lớn, không gian mở như công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, dịch vụ đô thị… luôn là niềm mong mỏi của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, theo KTS Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án TP sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Hà Nội đang rất thiếu diện tích cây xanh, hồ nước…Cụ thể, bình quân mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng. Thậm chí, những người dân ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người.
Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các TP trên thế giới với mức 9m2/người. “Đã có nhiều minh chứng cho thấy, việc thiếu không gian công cộng tại đô thị có thể làm gia tăng căn bệnh béo phì, tai nạn giao thông… ” - KTS Đinh Đăng Hải nói.
Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia, PGS. TS Phạm Thúy Loan chỉ ra rằng, những không gian công cộng có khả năng tiếp cận dễ dàng, thật sự phục vụ đời sống hàng ngày của người dân tại Hà Nội đang rất thiếu. Điển hình, tại quận Thanh Xuân có diện tích gần 10km², dân số gần 300.000 người, nhưng lại không có công viên cho người dân, đây là điều bất hợp lý. Vậy làm thế nào để tăng quỹ không gian xanh cho Hà Nội trong khi không thể có thêm diện tích tại nội đô? Làm sao để người dân có cơ hội dễ dàng được tiếp cận không gian cộng cộng? Theo PGS. TS Phạm Thúy Loan, đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, Hà Nội cần phát huy, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu. Bên cạnh đó, TP cần sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng, đặc biệt với đất nhà máy đã được di dời để ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cộng đồng.
“Đây là vấn đề liên quan đến quy chuẩn phát triển đô thị. Hiện nay, quy hoạch không gian công cộng của Hà Nội chưa đạt chuẩn. Nhà nước, chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm chuẩn đó” - PGS. TS Phạm Thúy Loan cho hay.Giải pháp từ đất di dời nhà máyĐể có quỹ đất cho phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg năm 2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực 12 quận của Hà Nội, bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 kiện toàn Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP và Quyết định số 2574/QĐ-UBND ngày 5/6/2015 thành lập tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo.
Từ tháng 9/2017, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng Sở QH - KT và UBND 12 quận rà soát kỹ từng cơ sở sản xuất phải di dời theo 3 nhóm: Nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ; nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng. Qua việc rà soát, Sở TN&MT đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại các quận và các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở; bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch. Như vậy đến nay danh mục sản xuất công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch gồm 90 cơ sở.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sử dụng đất được thu hồi sau khi di dời các nhà máy vào mục đích phát triển không gian công cộng cho người dân còn hạn chế; đồng thời chưa phù hợp chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ đất này để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành...
Theo nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Hoạt, trong những năm qua, nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, quỹ đất không sử dụng hết cho thuê kinh doanh, thậm chí còn xây nhà trọ… Nhưng bằng cách nào đó các cơ sở phải di dời vẫn tìm cách để xin ở lại. Do đó, muốn di dời các cơ sở đó đòi hỏi phải có trách nhiệm, có bản lĩnh.
KTS Đinh Đăng Hải cho biết, không riêng Hà Nội, nhiều TP lớn trên thế giới đã sử dụng phương pháp tạo quỹ đất để phát triển khi di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành. Vấn đề ở đây là cần có quy hoạch và thực hiện nghiêm túc quy hoạch, có tính đến yếu tố không gian xanh. Đặc biệt, chính quyền cần huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến, cũng như giám sát quá trình thực hiện các quy hoạch để Hà Nội trở thành TP đáng sống.
"Nhà nước đã có chủ trương và chính sách di dời các nhà máy công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm và sử dụng không gian sau di dời để phát triển không gian công cộng. Sở dĩ có tình trạng một số nhà máy bị chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng như chủ trương ban đầu là nằm ở khâu giám sát chính sách" - Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia - PGS. TS Phạm Thúy Loan "Khi chuyển một nhà máy ở Hà Nội về một địa phương, phải có điều tra về dân cư địa phương. Theo đó, bao nhiêu người có thể tham gia chuỗi lao động, sản xuất của nhà máy đó? Bao nhiêu người sẽ hưởng lợi ích và bao nhiêu người chịu thua thiệt và được đền bù thế nào?... Nếu không giải quyết được đồng bộ, toàn diện vấn đề thì sẽ chỉ đạt được cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Việc di dời phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả nơi đi và nơi đến thì xã hội mới có thể phát triển bền vững" - ông Lê Thanh Ý - Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam |