Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy phiếu tín nhiệm là để tự chấn chỉnh mình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 28/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH TP Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình thông báo kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.

* Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Hai Bà Trưng

Tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các ĐBQH TP đã tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 2.

3 mức phiếu tín nhiệm không phải là “dĩ hòa vi quý”

Nhiều cử tri quận Ba Đình đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội như tăng thời lượng truyền hình trực tiếp, công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đề xuất Quốc hội chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức: Tín nhiệm hay không tín nhiệm. Cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị) cho rằng: Quốc hội cần mạnh dạn lấy ý kiến đánh giá của cử tri nơi cư trú với cả các ĐBQH.

Dẫn chứng kết quả tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp của một số thành viên Chính phủ nắm giữ cương vị trưởng ngành những lĩnh vực quan trọng, cử tri Trần Toại (phường Cống Vị) băn khoăn về chất lượng bộ máy hành pháp. Đồng thời đặt câu hỏi "Quốc hội đã phân tích nguyên nhân của tín nhiệm thấp chưa, để có biện pháp giúp các chức danh nâng cao tín nhiệm hơn trong nhiệm kỳ tới".

Lấy phiếu tín nhiệm là để tự chấn chỉnh mình - Ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN

Chống tham nhũng cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm đề cập và mong muốn lời khẳng định của Tổng Bí thư tại hội nghị T.Ư 7 là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" tiếp tục được toàn Đảng, mà trước hết là T.Ư Đảng nghiêm túc thi hành. Nhiều cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát công tác điều hành của bộ máy Nhà nước các cấp để người dân không phải chịu những yếu kém trong công tác quản lý như: Thủ tục hành chính, chất lượng mũ bảo hiểm, tăng giá xăng dầu, an toàn thực phẩm…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm của cử tri quận Ba Bình. Theo Tổng Bí thư, thành công của Kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự là bước tiến xa trong phát huy dân chủ và cũng chính là triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Xung quanh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là cách thăm dò tín nhiệm đối với mỗi người, nhằm cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và ngăn ngừa để tự chấn chỉnh mình. Đây không phải là thủ thuật làm để "hòa cả làng" hay "dĩ hòa vi quý", mà là một kênh thông tin đánh giá cán bộ, dù rất quan trọng, nhưng không phải là để quyết định. Cho nên là tín nhiệm thấp, cao hay trung bình là do ĐBQH biểu quyết. Sắp tới, T.Ư Đảng cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng Bí thư trở xuống, các cấp ủy cũng thế. Đây là lần đầu tiên, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trả lời câu hỏi của các cử tri về vấn đề Biển Đông và phát triển kinh tế biển đảo, Tổng Bí thư cho biết, Trường Sa không chỉ là vấn đề của nước ta với Trung Quốc mà là vấn đề của 6 bên. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến độc lập chủ quyền và phải được xử lý theo đúng chiến lược, sách lược.

Lãng phí là do bệnh hình thức

Tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, các cử tri đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, chính quyền TP trong việc tiếp thu ý kiến cử tri, giải quyết rất kịp thời nhiều vấn đề như việc xây cầu vượt ở nút giao thông Xã Đàn, làng cổ Đường Lâm… Tuy nhiên, cử tri Đào Văn Thu (phường Khâm Thiên) cho rằng: Vấn đề tai nạn giao thông vẫn là nỗi băn khoăn lớn khi tỷ lệ người chết tăng cao và ngày càng nghiêm trọng. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và TP Hà Nội ngoài việc đầu tư hạ tầng, cần tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho người dân cũng như gắn vào việc thi đua, đánh giá trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, địa phương.

Nhiều cử tri cũng đề cập đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí và đề xuất Quốc hội cần mở rộng phạm vi giám sát ra cả các tổng công ty, xí nghiệp, khu dân cư. Cử tri quận Đống Đa cho rằng, ngay việc tổ chức quá nhiều lễ hội cũng là sự lãng phí về kinh tế và thời gian, nên có sự điều chỉnh. Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhiều cử tri đề nghị T.Ư và TP kiên quyết xử lý triệt để hơn, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế...

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh đến việc Quốc hội, Chính phủ, TP đang rất nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề như trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông… Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy đồng tình với ý kiến của cử tri trước những lo lắng về tình trạng an toàn giao thông chưa đảm bảo và nguyên nhân là do ý thức người tham gia giao thông rất kém. TP sẽ tiếp tục có những biện pháp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thẳng thắn thừa nhận: Lãng phí có thể nói là phát hiện và nhìn thấy rất rõ, từ một dự án được cấp phép mãi không thấy làm, từ một lô đất giải phóng mặt bằng bao nhiêu năm không triển khai, từ công trình xây dựng xong thấy chất lượng kém… Nguyên nhân là do bệnh hình thức, phô trương và đặc biệt là ý thức không tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận, đưa vấn đề này vào Luật để từng bước đi vào nền nếp.

Liên quan đến một số vụ việc bức xúc cụ thể được cử tri nêu ra, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, khách quan, công bằng cho người dân, tránh để tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết, đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm.