Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy tiền đâu để làm cao tốc?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc đang thật sự trở thành một “cơn sốt” khi hàng loạt tỉnh vừa có kiến nghị được ưu tiên làm đường qua địa phương mình. Tuy nhiên, lấy tiền ở đâu để làm đường cao tốc lại là câu hỏi không dễ trả lời.

“Đua nhau” xin làm cao tốc
Ngày 7/1 vừa qua, Quốc hội có phiên thảo luận về gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Theo dự kiến, gói này có giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng và khoảng 114.000 tỷ đồng, trong số đó sẽ được ưu tiên dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị được ưu tiên xây đường cao tốc và các tuyến giao thông kết nối địa phương với tỉnh thành khác.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
 

Dù các DN đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng xu hướng liên danh để đủ năng lực trở thành nhà đầu tư cho những dự án đường cao tốc đang được nhiều DN áp dụng. Đây chính là gợi ý không tồi cho lời giải về việc huy động vốn làm cao tốc cho các địa phương." - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Đơn cử theo quy hoạch thì địa phương này có dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (nối liền tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư. Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị được đổi sang hình thức đầu tư công để dự án sớm được triển khai.

“Nếu như được đầu tư công thì giai đoạn 2021 - 2023 có thể hoàn thành toàn tuyến" - ông Nguyễn Tâm Hùng nói. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nêu trên có tổng số vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng nhưng việc huy động vốn theo hình thức Đối tác công tư (PPP) đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Một trường hợp khác theo đại biểu tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức cho biết, hiện nay tỉnh Cao Bằng đang triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối liền 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc này phải có tuyến đường kết nối TP Cao Bằng với cao tốc này, nhằm giúp mở rộng không gian phát triển của tỉnh với các địa phương khác trong khu vực. Từ đó, ông Bế Minh Đức đề nghị đưa dự án kết nối giao thông đoạn từ TP Cao Bằng đến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào danh mục các dự án của chương trình.

Ngoài hai ý kiến trên còn có nhiều đại biểu khác cũng có đề xuất xây đường cao tốc qua địa phương mình như đại biểu tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị ưu tiên làm cao tốc qua tỉnh Thái Bình sẽ giúp tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển...

Muốn làm cao tốc, địa phương phải tự huy động vốn

Việc nhiều tỉnh xin làm cao tốc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình là điều dễ hiểu bởi đây là nhu cầu chính đáng. Các chuyên gia cho rằng, việc xin làm cao tốc không giống như việc xin làm sân bay như nhiều địa phương đưa ra trước đó. Bởi, đường cao tốc vốn không tốn kém nhiều như sân bay trong khi hiệu quả khai thác lại rất lớn. Bên cạnh đó, những dự án cao tốc mà các địa phương đề nghị được ưu tiên phần lớn nằm trong quy hoạch mạng lưới đường cao tốc đã được phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vốn có hạn nên viêc lựa chọn ưu tiên dự án nào được sử dụng nguồn vốn từ gói này cần được cân nhắc thật kỹ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 5 năm tới mục tiêu của nước ta là xây dựng được thêm 3.000km đường cao tốc. Đây là con số không hề nhỏ nhưng nếu làm được sẽ thật sự giúp hạ tầng giao thông đường bộ nước ta có sự “lột xác” ngoạn mục. Trong đó, “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải được ưu tiên hàng đầu. Theo tờ trình mới nhất của Chính phủ thì toàn bộ 12 đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đều sẽ đầu tư công. Do đó, dự án sẽ “ngốn” một lượng ngân sách không nhỏ.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các dự án cao tốc mà địa phương đề nghị nên đầu tư theo hình thức PPP. “Cách này sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước đồng thời phát huy được sự chủ động của các địa phương” - chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Trên thực tế, việc huy động vốn PPP để làm cao tốc trong bối cảnh hiện nay không phải là không thể. Đã có nhiều địa phương làm được điều này khi được giao quyền làm đối tác công trong các dự án PPP giao thông. Có thể kể đến như Lạng Sơn với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đã hoàn thành) hay Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (đang trong giai đoạn triển khai). Và, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được địa phương chủ động huy động nguồn vốn xã hội hóa để làm.

Các chuyên gia cho rằng, với dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam thì việc giao cho các địa phương làm cần cân nhắc, nhưng với các dự án cao tốc quy mô nhỏ mang tính kết nối giữa các địa phương với nhau thì các tỉnh, TP hoàn toàn có thể tự chủ làm đối tác công để kêu gọi nhà đầu tư.