Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy ý kiến cộng đồng dân cư để tránh quy hoạch treo

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến quy hoạch là một trong những bước bắt buộc của quá trình lập quy hoạch.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào các bản quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức.

Tăng sự đồng thuận

Thời gian gần đây, gần 20 hộ dân tại ngõ 259, phố Vĩnh Hưng (thuộc ô F2/NT3 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) đã liên tục có đơn phản đối việc hơn 2.800m2 nhà đất ở mà họ đang sử dụng hợp pháp bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng trường Mầm non Vĩnh Hưng theo quy hoạch.

Đôi bờ sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh và quận Tây Hồ nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng
Đôi bờ sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh và quận Tây Hồ nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Việc phản đối này theo các hộ dân là do ô đất F2/ NT3 ở trong một con ngõ hẹp, nằm xen kẹt trong khu dân cư, chật chội, cảnh quan không phù hợp với môi trường giáo dục và quan trọng họ không hề được lấy ý kiến khi thực hiện quy hoạch trường học tại khu vực này.

Hay trường hợp hơn 20 năm qua, quy hoạch khu Công viên hồ điều hòa Hạ Đình tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) vẫn chưa thể triển khai vì khu đất quy hoạch công viên đang chồng lấn, trùm lên 649 thửa đất giãn dân được TP cấp từ năm 1993, trong đó 520 thửa đất người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định từ trước năm 2000.

 

Những lợi ích từ cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị là rất to lớn. Bên cạnh lợi ích kinh tế - xã hội, khi được tham gia vào quá trình quy hoạch, các thành viên cộng đồng sẽ thấy mình được coi trọng hơn, sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, với các nhà chuyên môn. Người dân cũng nhận thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm trong quá trình thực hiện, quản lý các đồ án, dự án, họ sẽ duy trì sự tham gia của mình để đạt tới thành công.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam,
PGS.TS Đỗ Hậu

Từ những trường hợp cụ thể nêu trên cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào các bản quy hoạch hiện nay vẫn còn những bất cập. Hay nói cách khác, vai trò của cộng đồng tham gia vào quá trình lập quy hoạch chưa thật sự được coi trọng.

Kết quả là nhiều bản quy hoạch khi công khai rộng rãi đã bị người dân trong khu vực ảnh hưởng phản đối, nhiều năm mà không thể thực thi mà chỉ là bản vẽ trên giấy.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, về vấn đề này chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á như Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia.

Tại các nước này, quá trình lập quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng dành được sự chú ý đáng kể của các cơ quan chính quyền và giới chuyên môn...

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc huy động cộng đồng xã hội tham gia vào công tác quy hoạch là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch.

Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.

“Để quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là vấn đề tiên quyết. Một bản quy hoạch có sự ủng hộ của người dân cũng giúp cho quy hoạch đạt hiệu quả cao khi triển khai, không có nguy cơ trở thành quy hoạch treo” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

Cần sớm có quy định cụ thể

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, hiện nay, về cơ bản các quy định pháp luật đã tạo khung cho sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập quy hoạch đô thị dưới hình thức lấy ý kiến góp ý.

Đôi bờ sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh và quận Tây Hồ nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng
Đôi bờ sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh và quận Tây Hồ nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng

Trong Luật Xây dựng (2003, 2013, sửa đổi 2016, 2018, 2019, 2020); Luật Quy hoạch đô thị (2009); Luật Quy hoạch (2017); Luật Đất đai (2003, 2013)... đều có các quy định về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quy hoạch; hình thức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động lấy ý kiến.

 

Việc lấy ý kiến đối với các quy hoạch xây dựng, thực hiện quy hoạch xây dựng, thực hiện dự án tốt hay không cũng phản ánh ngược lại về chất lượng của đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, cần có quan điểm rõ ràng là việc thành công của việc thực hiện quy hoạch xây dựng, thực hiện dự án còn phụ thuộc vào các điều kiện khác như chính sách phát triển, các chính sách liên quan đến quản lý đất đai, quản lý đầu tư và nguồn lực đầu tư... chứ không chỉ do ngành xây dựng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, KTS Lã Hồng Sơn

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, nội dung này đang gặp nhiều vướng mắc dẫn đến sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn khá mờ nhạt.

Các quy định pháp luật về vấn đề này còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận… Về hình thức xin ý kiến đối với từng cấp độ quy hoạch, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng chưa có quy định cụ thể nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là những đồ án trải dài qua nhiều địa phương, liên quan đến nhiều đơn vị hành chính, công tác xin ý kiến cộng đồng dân cư gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài.

Một trong những đồ án quy hoạch quan trọng đang được Nhân dân Thủ đô mong chờ sớm triển khai đó là quy hoạch hai bên sông Hồng. Tại buổi đối thoại với cán bộ MTTQ các cấp TP Hà Nội do Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì ngày 9/8 mới đây, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin, UBND TP đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.

Cùng với tiến độ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, TP sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch chi tiết hai bên sông Hồng. Trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trước khi trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Đây là đồ án quy hoạch không chỉ có ý nghĩa nâng tầm cảnh quan cho đô thị Hà Nội mà còn tác động đến cuộc sống của hàng vạn người dân đang sinh sống tại khu vực ngoài đê. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi theo quy định nhằm bảo đảm lập đồ án được chất lượng nhất chắc chắn sẽ phải thực hiện.

Tuy nhiên, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để việc góp ý được thực chất, các cấp, ngành chức năng cần xây dựng lộ trình, xác định cụ thể đối tượng tham gia vào đồ án quy hoạch, các dự án phát triển đô thị, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót đối tượng cần lấy ý kiến, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân một cách cao nhất.

“Có thể rút kinh nghiệm khi bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 được trưng bày triển lãm lấy ý kiến Nhân dân cả nước rất rầm rộ nhưng khi người dân, tổ chức muốn góp ý thì không có tài liệu hướng dẫn” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến quy trình quy hoạch, nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, đặc biệt rút ngắn sự cách biệt giữa quy hoạch từ trên giấy với thực tế cuộc sống. Hay nói cách khác, các đồ án quy hoạch mang tính khả thi cao, hạn chế một phần những ý muốn chủ quan và áp đặt chủ ý. Ngoài ra, còn nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện các đồ án quy hoạch.

Việc lấy ý kiến của cộng đồng trong lập quy hoạch được khẳng định là rất cần thiết. Những quy định pháp lý về vấn đề này đã được ban hành, tuy nhiên sau nhiều năm vẫn chưa đạt hiệu quả. Do vậy, các chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng, rất cần cơ quan chức năng sớm gỡ vướng bằng việc hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện để bảo đảm sự tham gia thực chất của cộng đồng trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị.