Lấy ý kiến về xả thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về vấn đề xả thải của nhà máy Bột - Giấy VNT19 đã được đưa ra tại hội nghị tham vấn.

Chủ đầu tư khẳng định đảm bảo an toàn

Sáng 24/6, UBND huyện Bình Sơn tổ chức hội nghị tham vấn cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động xả nước thải vào nguồn nước của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19 (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chính quyền, chủ đầu tư và đơn vị liên quan thông tin những nội dung về vị trí, việc xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của dự án.

Theo đại diện chủ đầu tư, để bảo đảm nước thải sau khi xử lý luôn ổn định, đạt chất lượng khi xả thải ra môi trường, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Aquaflow (AQF) đến từ Phần Lan cho hạng mục thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao đảm bảo nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý nhà máy Bột - Giấy VNT19 thông tin về dự án.
Ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý nhà máy Bột - Giấy VNT19 thông tin về dự án.

Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn là công nghệ sinh học kết hợp cơ học và hóa lý. Các nguồn nước thải của nhà máy được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 50.000m3/ngày đêm, trải qua các giai đoạn: Sơ cấp, sinh học và nâng cao. Các thông số nước thải sau xử lý tốt hơn nhiều so với tiêu chuẩn xả thải cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt đường ống đảm bảo yêu cầu về độ nghiêng và chịu lực; thiết kế các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt kịp thời; lập hành lang an toàn cho tuyến ống thoát nước thải (có hàng rào bảo vệ công trình). Đồng thời, đảm bảo khắc phục sự cố trong mọi trường hợp để tránh gây ảnh hưởng đến người dân, hướng tuyến đường ống xả thải thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi.

Thi công hệ thống xử lý nước thải của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19.
Thi công hệ thống xử lý nước thải của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu - Giám đốc Ban quản lý nhà máy Bột - Giấy VNT19, phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường được xem là yếu tố mang tính sống còn, được chủ đầu tư chú trọng từ giai đoạn lập dự án đến việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ. Quá trình vận hành, sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường được giám sát chặt chẽ.

“Với trách nhiệm cộng đồng theo định hướng chiến lược phát triển bền vững, Công ty Bột - Giấy VNT19 sẽ luôn ngăn ngừa và triệt để giải quyết các vấn đề sự cố môi trường, đồng hành cùng người dân an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho con em các hộ dân bị ảnh hưởng sinh kế nghề cá, thu mua nguyên liệu của người dân địa phương, đóng góp ngân sách của tỉnh”, ông Nguyễn Đức Hữu nhấn mạnh.

Dân yêu cầu có cam kết

Mặc dù vậy, một số người dân địa phương, nhất là khu vực thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị vẫn bày tỏ lo ngại những vấn đề về môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Nhạn phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Nhạn phát biểu tại hội nghị.

“Bản thân tôi là người ở gần vũng Việt Thanh, cũng làm nghề biển mấy chục năm qua. Về nhà máy Bột - Giấy VNT19, dẫu đã các nhà khoa học đã nghiên cứu, tuy nhiên mọi thứ vẫn còn chưa phải thực tiễn. Do đó, phải có cam kết cụ thể và chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra, đời sống Nhân dân gặp khó khăn”, ông Nguyễn Nhạn nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa - Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, trước khi tổ chức hội nghị này, chính quyền và các đơn vị liên quan đã trải qua rất nhiều bước như: Lấy ý kiến các nhà khoa học, phản biện, nhà đầu tư tiếp thu, lấy ý kiến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đi thực tế những nhà máy giấy có tính tương đồng.

“Quan điểm của Ban quản lý về vị trí đặt nhà máy là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu chức năng, hướng tuyến xả thải ra môi trường nằm trong ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư mới. Vị trí xả thải không phải vào sông Trà Bồng mà là vịnh Việt Thanh được quyết định sau khi xem xét, cân nhắc các yếu tố liên quan dung nạp nguồn nước thải trong sông, hồ”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.

Một góc dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19.
Một góc dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19.

Về phía chính quyền địa phương, ông Bùi Việt Khoa- Bí thư xã Bình Trị nêu quan điểm: “Nếu không đảm bảo yếu tố môi trường thì chắc chắn nhà máy phải đóng cửa và bồi thường thiệt hại, ngay cả khi không có cam kết. Do đó, nếu để xảy ra sự cố thì chắc chắn chủ đầu tư là người gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Với khối tài sản khổng lồ đầu tư vào dự án Bột – Giấy VNT19 thì không có lý do gì mà không đầu tư hệ thống xử lý nước thải ngang tầm”.

Trước đó, tại buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức vào ngày 6/4/2022, các nhà khoa học, các chuyên gia, chính quyền địa phương đã xem xét công nghệ, thiết kế phân xưởng xử lý nước thải và tuyến đường ống xả thải ra biển của nhà máy.

Sau buổi phản biện, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá cao chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục môi trường, đồng thời nhận định phương án xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh (thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị) là khả thi và an toàn.

Về phía chủ đầu tư, đơn vị này khẳng định vẫn tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và đồng hành cùng chính quyền, người dân trong việc xử lý về các vấn đề liên quan đến dự án nhà máy Bột - Giấy VNT19.

 

Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 được triển khai trên diện tích 117ha tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) với quy mô công suất 350.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sản xuất bột giấy tẩy trắng cao cấp cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, phát triển dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động; giảm nhập siêu của quốc gia, đóng góp thuế cho ngân sách địa phương, góp phần hiện đại hóa, nâng sức cạnh tranh ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần