Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến Nhà Mạc
Kinhtedothi - Sáng 19/4, UBND huyện Kiến Thụy tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến Nhà Mạc ở Dương Kinh, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Kiến Hưng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích liên quan đến Nhà Mạc. Ảnh: Tiến Bảo
Trước đó, Cụm di tích gồm: Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Từ đường họ Mạc, chùa Trà Phương, chùa Nhân Trai và đền - chùa Hòa Liễu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Toàn cảnh Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Ảnh: Tiến Bảo
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Văn Thụy- Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - bày tỏ xúc động: “Trong không khí tự hào của những ngày tháng Tư lịch sử, được sự đồng ý của thành phố Hải Phòng, hôm nay Cụm di tích Vương triều Mạc vinh dự được đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt, một sự ghi nhận có ý nghĩa sâu sắc về giá trị lịch sử.
Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ ghi nhận những giá trị to lớn mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm lớn trong việc phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của di tích. Đây cũng là cơ hội để huyện Kiến Thuỵ cùng thành phố Hải Phòng đẩy mạnh phát triển văn hoá, du lịch. Cụm di tích là tài sản tinh thần quý báu, là niềm tự hào của các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp gìn giữ và lan toả giá trị lịch sử.
Tin tưởng rằng, Cụm di tích Vương triều Mạc sẽ mãi là địa chỉ văn hoá - tâm linh tiêu biểu, góp phần vun đắp ý chí, bồi dưỡng tinh thần dân tộc, trường tồn với thời gian và truyền lại cho các thế hệ mai sau.”

Ông Lưu Văn Thụy, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Tiến Bảo

Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung (1483-1541), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có trí dũng hơn người, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ.
Trong giai đoạn triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình Chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công.
Tháng 6/1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay. Triều Mạc kết thúc khi vua Mạc Mậu Hợp (đời vua thứ 5) bị quân Lê - Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592.
Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc vẫn còn cát cứ tại khu vực Cao Bằng để chống lại nhà Hậu Lê đến tận năm 1677. Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm và trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592).
Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh.

Về kinh tế, nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độ tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.
Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ), cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội.

Hải Phòng với tên gọi đầy kiêu hãnh vững bước đi lên
Kinhtedothi - Sau khi hết chiến tranh, Hải Phòng cùng cả nước đối mặt với những khó khăn cam go và khốc liệt, đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới và chính sách bao vây cấm vận, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trong đó Hải Phòng là một trọng điểm. Nhưng thành phố đã nhanh chóng hồi sinh từ đống đổ nát, hoang tàn để vượt lên mọi khó khăn, thách thức.

Hải Phòng: khởi công Khu công nghiệp Tiên Thanh
Kinhtedothi - Sáng 18/4, tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã diễn ra Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh. Dự án có quy mô 410,46 ha, nằm trên địa bàn các xã Tiên Thanh và Cấp Tiến.

Triển khai hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng
Kinhtedothi - Chiều 18/4/2025, tại thành phố Hải Phòng đã diễn Hội nghị giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhằm phối hợp xây dựng và triển khai Đề án hợp nhất hai địa phương - một chủ trương lớn, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng trong việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xây dựng mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.