Lễ Giỗ Tổ sân khấu dân tộc: Tri ân các bậc tổ nghề

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/9, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ Giỗ Tổ sân khấu dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch).

Mở đầu buổi lễ, NSND Tiến Thọ đã đọc “Chúc văn” tiến hành buổi lễ. Tiếp đó, chương trình biểu diễn trình Tổ được thực hiện với nhiều tiết mục đặc sắc như: Tiết mục “Tri ân Tổ nghiệp anh linh” của Nhà hát Chèo Thái Bình; tiết mục “Âm vang núi rừng” của Nhà hát Múa rối Việt Nam; tiết mục “Tiếng tơ lòng” theo điệu Lưu - Bình - Kim của Nhà hát Cải lương Việt Nam; bài hát Chèo theo điêu luyện năm cung do NSND Tự Long thực hiện; tiết mục xiếc”Tạo hình trên đôi giày trượt” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

 Lễ Giỗ Tổ sân khấu dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tiếp đến, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam đã báo cáo tóm tắt hoạt động 8 tháng đầu năm 2020 của Hội. NSND Trịnh Thuý Mùi cho biết: “12/8 (Âm lịch hàng năm) là ngày truyền thống của những người làm nghệ thuật sân khấu, để bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã vượt qua mọi định kiến của xã hội, sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo có giá trị, làm giàu cho bản sắc văn hoá và để tri ân khán giả đã đồng hành cùng với các văn nghệ sĩ, bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống”.

Năm qua, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đổi mới toàn diện và toàn cầu hoá, giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa ngành càng mạnh mẽ, với sự bùng nộ của công nghệ thông tin, sự đa dạng và hấp dẫn của các phương thức truyền thông, các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng, đã và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Tiết mục “Âm vang núi rừng” của Nhà hát Múa rối Việt Nam. 

Mặc dù vậy, năm 2019, BCH khoá VIII bằng những tâm huyết sáng tạo và dày dặn kinh nghiệm đã tổ chức thành công nhiều hoạt động. Phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức thành công Liên hoan Tuồng Dân ca; đặc biệt là tổ chức thành công Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm.

Liên hoan đã tạo nên được không khí giao lưu quốc tế sôi nổi, có sức lan toả đối với hoạt động sân khấu quốc tế. Có thể khẳng định, những thành tựu năm 2019 của Hội NSSK Việt Nam là kết quả của sự nghiêm túc, sáng tạo, có tính hiệu quả và chất lượng cao, tạo được không khí nghề nghiệp nhiệt huyết và sôi động.

NSND Trịnh Thuý Mùi nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để thành kính tri ân các bậc tiền nhân tiên tổ. Giới nghệ sĩ sân khấu nguyện đoàn kết, đem hết sức mình cùng nhau lao động nghệ thuật, tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng để phục vụ Nhân dân, góp phần đưa nền sân khấu Việt Nam phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm thức hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ, để hoàn thành sứ mệnh quang vinh của người nghệ sĩ sân khấu với đất nước, Nhân dân”.

 NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam phát biểu.

Cũng tại buổi lễ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tôn vinh và tặng quà các Nghệ sĩ cao tuổi (từ 70 đến 90 tuổi là nghệ sĩ, NSND, NSƯT; Nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT); Trao giải thưởng Nghệ thuật năm 2019; Tặng quà cho đại diễn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức khen thưởng các tác phẩm sân khấu hàng năm. Theo đó, Hội đã trao giải thưởng “Kịch bản sân khấu xuất sắc” cho các tác phẩm. Năm nay, giải kịch bản không có giải A, giải B thuộc về: Kịch bản “Vương quyền”, tác giả Bích Ngân; “Gian hùng hay Thiên mệnh” của tác giả Hoàng Thanh Du; “Người là anh Văn” của Vũ Xuân Cái; “Kẻ trộm” của Lê Quý Hiền; “Quyền lực nhóm” của Thiều Hạnh Nguyên; “Ngày ấy cổng trời” của Nguyễn Kháng Chiến.

Đồng thời, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao tặng giải cho các cá nhân xuất sắc gồm: Giải đạo diễn xuất sắc thuộc về NSND Nguyễn Tiếng Dũng, vở diễn Thân phận nàng Kiều, đơn vị thực hiện Nhà hát múa rối Việt Nam.
 Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải thưởng cho các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ có thành tình xuất sắc.

Giải diễn viên kịch nói xuất sắc thuộc về NS Phạm Tiến Lộc vai Hoàng Diệu, vở diễn “Hà thành chính khí, đơn vị Nhà hát kịch Việt Nam; NSƯT Phương Nga vai bà Muộn, vở diễn “Điều còn lại”, đơn vị Nhà hát kịch Việt Nam.

Giải diễn viên Cải lương xuất sắc thuộc về NS Nguyễn Văn Đáng vai Hồ Nguyễn Trừng, vở diễn “Vì sao lạc xứ”, đơn vị Nhà hát Cải lương Việt Nam; NS Thiên Hương vai Triệu Trinh Nương, vở diễn “Truyền thuyết Triệu Trinh Nương”, đơn vị Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Giải diễn viên Tuồng xuất sắc thuộc về NSƯT Phan Quang, vai Lê Đại Cang, vở diễn “Hoạn lộ”, đơn vị Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - TP Đà Nẵng; NSƯT Lộc Huyên vai Nàng Phận, vỡ diễn “Trung Thân”, đơn vị Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Giải diễn viên Chèo xuất sắc thuộc về NSƯT Trâm Anh, vai Nguyễn Trãi, vở diễn “Trọn nghĩa non sông”, đơn vị Nhà hát Chèo Thái Bình; NS Quỳnh Sơn vai Thị Trinh, vở diễn “Bên nước ngũ Bồ”, đơn vị Nhát hát Chèo Quân đội.

Giải diễn viên Dân ca xuất sắc thuộc về NS Thuỳ Dung vai K’Lai, vở diễn “Bình minh trên đỉnh Pa rút”, đơn vị Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (Nhát hát truyền thống Bình Định); NS Hồ Minh Thông vai Phan Đăng Lưu, vở diễn “Hửng đông”, đơn vị Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ.

Giải hoạ sĩ xuất sắc thuộc về NSƯT Nguyễn Đạt Tăng, vở diễn “Điều còn lại”, đơn vị Nhà hát Chèo Hà Nội.