Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội chùa Hương 2015: Đổi mới, đảm bảo an toàn, văn minh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hôm nay (24/2 - tức Mùng 6 Tết Âm lịch), Lễ hội chùa Hương 2015 mới chính thức khai hội, song từ vài ngày trước đó, rất đông du khách thập phương đã về chùa Hương vãn cảnh lễ Phật.

Mỗi ngày có tới hàng vạn lượt người, nhưng mọi hoạt động diễn ra trong khu vực Lễ hội đều được đảm bảo an toàn, văn minh.

Chuyển biến tích cực

Có tận mắt chứng kiến hàng vạn du khách từ khắp nơi về hành hương lễ Phật mới thấy được không khí tấp nập của lễ hội kéo dài nhất nước. Mới khoảng 5 giờ sáng ngày Mùng 5 Tết, trên các tuyến đường đã tấp nập ô tô, xe máy chạy hướng về khu vực Lễ hội chùa Hương. Dù lượng xe đông nhưng do được lực lượng chức năng phân luồng hợp lý nên không xảy ra ùn tắc. Các đoàn khách được hướng dẫn mua vé thắng cảnh và vé đò ngay từ trạm bán vé thắng cảnh ở thôn Hội Xá. Đáng lưu ý, năm nay không còn tình trạng chéo kéo, bám khách đổi tiền lẻ như nhiều năm trước. Các chủ xuồng đò đều tuân thủ nghiêm túc các quy định của Ban Tổ chức (BTC) như đò được sơn màu xanh, có biển số, trang bị đầy đủ áo phao, sọt rác. Đặc biệt, các chủ đò đã tự giác thực hiện văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự với du khách, không nài ép, xin thêm tiền của khách.
Lễ hội chùa Hương 2015: Đổi mới, đảm bảo an toàn, văn minh - Ảnh 1
Chị Đào Minh Hạnh, quê Phú Xuyên cho biết: "Năm nào gia đình tôi cũng đi chùa Hương lễ Phật, năm nay, tôi thấy trật tự hơn và không còn cảnh lái đò xin thêm tiền bồi dưỡng". Đặc biệt, các quán hàng ăn nghiêm túc tuân thủ quy định không treo móc thịt tươi sống gây phản cảm và có tủ đựng thức ăn đảm bảo ATTP. Tại các cửa hàng, điểm nghỉ chân, giá các sản phẩm, dịch vụ đều được các chủ hàng niêm yết công khai. Anh Nguyễn Anh Tuấn, ở TP Nam Định cho biết: "Thay vì ăn bằng đồ ăn chuẩn bị từ ở nhà như mọi năm, năm nay, trên đường về gia đình đã vào ăn một quán phở ngay tại bến Trò. Tuy không mặc cả trước nhưng chủ hàng vẫn giữ nguyên giá như đã niêm yết và phở ăn cũng khá ngon miệng"

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường ở chùa Hương đã có nhiều đổi thay đáng kể. Tại khu vực đền Trình, lối lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích, chùa Giải Oan… đã được BTC bố trí nhiều thùng chứa rác. Không chỉ vậy, dọc hai bên bờ suối Yến cũng bố trí nhiều thùng, sọt rác và lực lượng công nhân làm nhiệm vụ vớt rác và thu gom rác. Tại các điểm chùa, động, điểm thờ tự, những tấm bảng, biển ghi khẩu hiệu khuyến cáo người dân không dâng cúng lễ mặn, tiền vàng mã, không xin tiền đài.... đều được lắp đặt hợp lý. Tình trạng du khách nhét tiền vào kẽ đá, tượng phật, thậm chí rải tiền trên đường đi, suối Giải Oan đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nạn cờ bạc bịp, xem bói ăn tiền không còn tồn tại. Tình trạng quảng cáo bằng loa, âm ly công suất lớn đã được khắc phục triệt để.

Quản lý chặt chẽ

Công tác an ninh trật tự được BTC đặc biệt chú trọng với trên 200 cán bộ, chiến sĩ công an từ TP, huyện, xã được huy động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mùa lễ hội năm nay. Theo đó, ngay từ sáng Mùng 2 Tết Âm lịch, lực lượng Công an huyện Mỹ Đức đã tổ chức ra quân. Trong ngày 22/2 (tức Mùng 4 Tết Âm lịch) lực lượng Công an TP đã bố trí 70 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ 24/24 giờ. Lực lượng đã bố trí 17 chốt, trạm sẵn sàng tiếp nhận, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an ninh xã hội tại các khu vực diễn ra lễ hội. BTC cũng tiến hành tuyên tuyền qua hệ thống loa truyền thanh trong khu vực lễ hội, đặc biệt là tại các điểm đền, chùa, động chính với nội dung khuyến cáo và nhắc nhở du khách. Đồng thời, tiến hành lắp đặt 30 biển, hiệu trong khu vực lễ hội nhắc nhở du khách giữ gìn, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, BTC cũng bố trí lực lượng thu gom rác thải với 120 lao động. Riêng tại các chùa, động và điểm thờ tự, nhà chùa cũng bố trí gần 100 người làm nhiệm vụ thu gom rác thường xuyên.

Để lễ hội được đảm bảo trật tự, an toàn, văn minh trong suốt thời gian 3 tháng, lực lượng kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ lễ hội, các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ. Tổ kiểm tra liên ngành đã mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Đơn cử, ngay trong ngày Mùng 2 Tết, qua kiểm tra, lực lượng đã nhắc nhở các trường hợp có dấu hiệu vi phạm và tiến hành tịch thu sản phẩm đối với các chủ cửa hàng kinh doanh hàng ăn treo móc thịt phản cảm. Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, Phó Trưởng BTC lễ hội chùa Hương cho biết, Ban Quản lý đã huy động 100% nhân sự túc trực làm nhiệm vụ không kể ngày đêm tại trạm soát vé, cổng rích rắc, quản lý dịch vụ hàng quán, tham gia tổ kiểm tra liên ngành, quản lý di tích tại các tuyến Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn và quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm xuồng, đò vận chuyển khách.

Hôm nay, Lễ hội chùa Hương 2015 chính thức khai hội vào 9 giờ sáng, tại chùa Thiên Trù, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ khai hội đã được hoàn tất. Dự kiến, trong ngày khai hội, chùa Hương đón trên 40.000 khách về trẩy hội, du xuân. "Do đây là ngày đầu làm việc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày của cán bộ, công nhân viên chức trên cả nước nên lượng khách chắc chắn chỉ tương đương so với mọi năm" - ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định.

 
Theo thông tin từ BTC lễ hội chùa Hương, tính đến hết ngày 23/2, chùa Hương đã đón trên 140.000 lượt khách về trẩy hội, du xuân, trong đó lượng khách qua quản lý vé là 110.000 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2014, số lượng khách đã tăng lên hơn 2.000 người.