Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 chính thức khai mạc

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 12/10, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đã tổ chức khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024.

Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã đánh trống khai hội truyền thống.

Tại buổi lễ khai mạc, có hàng nghìn người dân và các du khách thập phương đã tham dự. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đánh trống khai hội chùa Keo mùa thu năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đánh trống khai hội chùa Keo mùa thu năm 2024.

Chùa Keo, tên chữ là Thần Quang tự nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là 1 trong 2 di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh. Theo thần tích ghi lại: năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang làm nơi ẩn nhẫn thuyết pháp giảng đạo, hộ quốc an dân. Thiền sư đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được nhà vua khai ân phong làm Quốc sư triều Lý.

Năm Giáp Tuất (1094), đời vua Lý Nhân Tông, Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ viên tịch, hưởng thọ 79 tuổi. Năm 1167, vua Lý Anh Tông xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tưởng nhớ, tri ân công đức của Thiền sư. Năm 1611, trận đại hồng thủy đã cuốn trôi ngôi chùa.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự khai mạc lễ hội. Ảnh: Báo Thái Bình
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự khai mạc lễ hội. Ảnh: Báo Thái Bình

Chùa Keo được khởi công xây dựng năm 1630 với 42 hiệp thợ tham gia. Sau 28 tháng, toàn bộ công trình hoàn thành trong niềm hân hoan của Nhân dân. Chùa Keo xây dựng theo kiểu dáng nội công ngoại quốc, tiền Phật, hậu Thánh, hiện nay có 17 công trình với 128 gian.

 Năm 2017, lễ hội truyền thống chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia.

Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ khai mạc.
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ khai mạc.

Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 được tổ chức ở quy mô cấp huyện, diễn ra trong 8 ngày, từ ngày 12 - 19/10. Bên cạnh các nghi thức tế lễ cổ truyền như lễ khai chỉ, lễ dâng hương, lễ rước Đức Thánh còn có những nghi thức tế lễ được phục dựng, bảo lưu. Trong phần hội, vào tất cả các ngày lễ hội, kể cả buổi tối, khi về với lễ hội chùa Keo, du khách đều có thể hòa mình vào những hội thi, trò chơi, trò diễn dân gian.

Tại lễ hội chùa Keo còn có 130 gian hàng gồm các gian hàng thương mại, khu ẩm thực dân gian, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của các huyện, thành phố trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong chương trình khai mạc lễ hội, Nhân dân địa phương cùng du khách thập phương đã theo dõi chương trình nghệ thuật mang âm hưởng sử thi “Chùa Keo – linh thiêng nguồn cội”. Với bố cục 3 chương: Huyền tích chùa Keo, Hương đất tình người, Sáng mãi một miền quê, chương trình nghệ thuật không chỉ là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động diễn ra tại lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024 mà còn góp phần tô đậm những giá trị truyền thống văn hóa văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình.