Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký Quyết định số 324 ngày 19/2/2025 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với lễ hội truyền thống hội chùa Tây Phương tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Trước đó, năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chùa Tây Phương hay còn gọi là Sùng Phúc tự nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Chùa tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, bốn bề chùa Tây Phương là đồng bằng màu mỡ, có núi có sông - một địa thế đẹp gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.
Xung quanh chùa có những bức chạm trổ hoa sen, hoa cúc, rồng phượng, hổ phù vô cùng tinh xảo. Đây là những kiệt tác từ bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở Chàng Sơn - làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời. Để lên được chùa, du khách cần phải leo qua hơn 200 bậc thang đá ong rêu phong.
Chùa Tây Phương sở hữu 64 pho tượng với các bức phù điêu quý giá, 16 pho tượng Tổ, bộ Tượng Tam Thế Phật, bộ 18 vị La Hán với những cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, có hơn 60.000 du khách về lễ phật, thăm quan, vãn cảnh,...
Lễ hội chùa Tây Phương diễn ra hàng năm, ngày chính hội là 6/3 Âm lịch, được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…
Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc,… Bên cạnh đó, còn diễn ra khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.