Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh: Nhiều nét mới hấp dẫn

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; tăng cường quảng bá hình ảnh di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng, Lễ hội đền Hai Bà Trưng – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tạo điểm nhấn đưa di tích trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2019 diễn ra từ ngày 10 – 12/2 (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) sẽ có nhiều đổi mới hấp dẫn.

Ngày 9/2/2018, Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mong chờ ngày hội
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, Nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên.
Ngày 9/2/2018, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hai Bà Trưng và chứng nhận Lễ hội đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như dâng hương, rước kiệu và tế lễ, bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu. Một đoạn ngắn của lịch sử, của một niềm tự hào mãnh liệt từ thế hệ đi sau, khúc khải hoàn ca mà dù cho năm tháng có đi qua, dấu ấn đó vẫn mãi nằm trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt. Để mỗi độ xuân về, lòng người lại thổn thức mong chờ đến ngày hội đền Hai Bà Trưng – nơi hiện hữu bao thông điệp nhắc nhở đến muôn đời sau: “Nghìn xưa vạn kiếp oai nghiêm/ Nghìn sau hậu thế tri ân tôn thờ/ Khí thiêng lồng lộng đến giờ/ Anh linh nữ kiệt Hai Bà Trưng Vương”.

Nhiều nét mới

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, trước nhiều tháng, huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, đôn đốc các phòng, ban, ngành của huyện, UBND xã Mê Linh tổ chức Lễ kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Kỷ Hợi 2019 có sự đổi mới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có. Đặc biệt là phải tập trung làm tốt công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,… đảm bảo an toàn tuyệt đối và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, du khách đến dâng hương, khám phá di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hai Bà Trưng cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội. Theo đó, Các ki-ốt hàng quán tham gia lễ hội đều do hội phụ nữ các xã trong huyện đăng cai, nhằm giới thiệu đến du khách các sản vật của địa phương. Toàn bộ khu vực ngoại vi của đền Hai Bà Trưng sẽ tập trung phục vụ Lễ kỷ niệm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, chương trình nghệ thuật năm nay có nhiều đổi mới với sự tham gia của Nhà hát Chèo Hà Nội, nhưng vẫn đảm bảo kế thừa truyền thống lịch sử. Trong suốt những ngày diễn ra Lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, như: Biểu diễn múa rối nước, hát quan họ, thi đấu bóng chuyền, thi cờ tướng, đấu vật dân tộc; các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, đi cầu khỉ… cũng sẽ được tăng cường để tạo không khí phấn khởi và sức hấp dẫn cho điểm đến đền thờ Hai Bà Trưng.

Dự kiến, ngay trong ngày khai hội, cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước sẽ về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà.