Lễ hội Đền Hùng 2016 có nhiều hoạt động mới hấp dẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã cận kề, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng Ban tổ chức chương trình Hà Kế San xung quanh những điểm mới và công tác chuẩn bị cho lễ hội.

Được biết, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 12 - 16/4 (tức ngày 6/3 - 10/3 Âm lịch) do tỉnh Phú Thọ chủ trì và 3 tỉnh Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau tham gia góp giỗ. Vậy, năm nay Ban Tổ chức sẽ có những hoạt động gì mới phục vụ du khách, ngoài những phần lễ truyền thống như mọi năm, thưa ông?
- Phần lễ cơ bản vẫn bao gồm các hoạt động như những năm 2015. Đó là, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch. Các địa phương trong tỉnh nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng, trên núi Nghĩa Lĩnh vào 7 giờ ngày 10/3 Âm lịch theo nghi lễ truyền thống.
Lễ hội Đền Hùng 2016 có nhiều hoạt động mới hấp dẫn - Ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San. Ảnh: Hồng Hạnh
Bên cạnh phần Lễ, các hoạt động phần Hội được tổ chức phong phú, đa dạng gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì; trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội trại văn hóa; liên hoan văn nghệ quần chúng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; biểu diễn nghệ thuật; hội chợ Hùng Vương; hội thi bơi Chải trên sông Lô; các hoạt động thể thao cùng nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc khác.
Đặc biệt, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều nét mới như: Triển lãm tư liệu ảnh chủ đề “Nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bản sắc cội nguồn dân tộc”; trưng bày tư liệu, hiện vệt về văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tổ chức hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng trên hồ công viên Văn Lang.

Với lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt trì sẽ được tổ chức nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất tổ, từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa TP Việt Trì trở thành TP lễ hội về cội nguồn dân tộc của Việt Nam. Cùng với việc xây dựng hồ sơ Hát Xoan là di sản đại diện nhân loại, tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan, tạo điều kiện cho du khách cả nước có dịp được thưởng thức di sản qua các cuộc liên hoan Hát Xoan tại Đền Hùng và tại các làng Xoan cổ, phường Xoan gốc.

- Tuy năm lẻ, nhưng dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2016 người lao động sẽ được nghỉ liên tục 3 ngày, lễ hội năm nay vẫn được tổ chức quy mô lớn, lượng đồng bào chắc chắn sẽ về rất đông. Vậy Ban Tổ chức đã chuẩn bị như thế nào để phục vụ du khách tốt nhất?

Theo ước tính, sẽ có khoảng 6 - 7 triệu người về tham dự giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Tỉnh Phú Thọ xác định sẽ tổ chức chuyên nghiệp nhất, không để xảy ra tắc đường, chặt chém, chèo kéo, những hành vi phản cảm sẽ bị xử lý nghiêm. Để Lễ hội Đền Hùng năm 2016 được tổ chức chu đáo, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành các công trình phục vụ lễ hội. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập 3 Đội công tác liên ngành giúp Ban tổ chức chỉ đạo, điều hành, quản lý các hoạt động lễ hội; tổ chức kiểm tra, kịp thời, phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động dịch vụ và các trường hợp không chấp hành nội quy, quy chế tổ chức lễ hội.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ giá tại các khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ taxi, vận tải và các mặt hàng tại lễ hội. Ban tổ chức nghiêm cấm việc kinh doanh buôn bán thú rừng, không để xảy ra tình trạng ăn xin, ăn mày, ép giá, chèo kéo làm phiền lòng du khách. Hiện tỉnh Phú Thọ đã thông báo công khai số 2 điện thoại đường dây nóng tại các bãi giữ xe và nhiều địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận thông tin là 0210.3860.026 và 0210.6551.666. Cùng với đó, công tác an toàn giao thông cũng được tỉnh chú trọng để đảm bảo không xảy ra hiện tượng tắc đường, ùn tắc, lộn xộn. Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng của tỉnh Phú Thọ cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng tiếp đón đồng bào gần xa và du khách quốc tế về thăm viếng mộ Tổ.

Vậy năm nay, Lễ hội Đền Hùng có kỷ lục nào được xác lập như chiếc bánh chưng, bánh giầy to nhất?

- Từ 4 năm nay, Ban tổ chức hạn chế việc cúng tiến các sản vật “khủng” để tránh những “tai tiếng” dư luận. Sẽ không còn bánh chưng, bánh giầy kỷ lục, chai rượu kỷ lục như trước nữa. Tất cả các vật phẩm các tỉnh, các cơ quan, đơn vị cúng tiến đều sẽ được đặt trang trọng trong một nhà trưng bày. Và tại lễ hội năm nay, tất cả sẽ được trưng bày cho đồng bào, du khách thưởng lãm.

Ngày mai (31/3), hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ sẽ chính thức được gửi đến UNESCO đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hẳn là 4 năm qua, kể từ khi Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp tỉnh Phú Thọ đã rất chú trọng tới việc phát triển di sản này?

- Đúng vậy, trong suốt 4 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực hết mình để bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan - di sản bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương. Nhiều lớp truyền dạy Hát Xoan đã được mở để đào tạo nghệ nhân kế cận, tổ chức công nhận nghệ nhân Hát Xoan, phục hồi các bài Xoan cổ, thành lập các CLB Hát Xoan, đưa Hát Xoan vào trong trường học và tiến hành tu bổ các đình, miếu, không gian trình diễn Xoan truyền thống.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 phường Xoan gốc, 30 câu lạc bộ Hát Xoan với trên 1.200 người tham gia thực hành Hát Xoan. Trong đó, số thành viên tham gia 4 phường Xoan gốc là 199 người, tăng 65%, số thành viên tham gia các câu lạc bộ Hát Xoan là trên 1.100 người, tăng khoảng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi Hát Xoan được UNESCO công nhận năm 2011.

Trước đây, rất ít người có thể truyền dạy Hát Xoan, nhưng nay đã có 62 nghệ nhân kế cận được đào tạo có khả năng truyền dạy. Cùng với đó, cộng đồng các phường Xoan phát triển rất mạnh mẽ, có phường Xoan lên đến hàng trăm người với nhiều thế hệ cùng tham gia… Đó là những minh chứng cho thấy Hát Xoan đã thực sự thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Hy vọng rằng, Hát Xoan Phú Thọ sẽ sớm được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần