Kiến trúc có một không hai của TP Hải Phòng
Đình Quán Khái là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của đình làng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đây là di tích quý hiếm, bảo lưu nguyên vẹn mọi giá trị của di tích.
Đình Quán Khái tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Việt Nam đầu thế kỷ 20, bao gồm hồ bán nguyệt, ngũ môn, tường bao, sân, từ chỉ và tòa đại đình. Đình là tòa nhà 6 mái cao rộng, lợp ngói mũi hài với 10 mái đao cong vút. Trên nóc đình, bờ dải đắp con kìm, con sô, đầu guột…là những tác phẩm quý được giữ gìn từ ngày khởi dựng đến nay.
Đình thờ Đức thánh Tản Viên cùng hai cô con gái yêu của Vua Hùng, Chiêu Huy và Nữ Oa, trong đình còn lưu giữ bản Ngọc Phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng phúc thứ nhất (1572). Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá của nhân dân ta trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Đặc biệt thần tích Tản Viên là một tư liệu quý góp phần tìm hiểu, nghiên cứu về một nhân vật lịch sử được coi là Đệ nhất phúc thần của người Việt cổ. Tản Viên nhập thế, Thần Tản Viên được nhân dân tôn kính là Đức Thánh cả, Đệ nhất “Tứ bất tử” và là Thành Hoàng làng nổi tiếng của nhiều làng quê Việt Nam, trong đó có làng Quán Khái.
Bên trong đình là cảnh lộng lẫy vàng son của các bức hoành phi, câu đối, cửa võng, khám thờ được chạm khắc công phu và to lớn khác thường. Vì kèo đình Quán Khái làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, một phong cách đậm nét cổ truyền. Có một khác biệt so với các ngôi đình khác là các bộ phận kiến trúc dù ở tiền đường cao thoáng, hay ở tận cùng hậu cung tối sẩm đều được chạm khắc tỷ mỉ như nhau. Nhìn vào tác phẩm điêu khắc tại nơi này, có thể hình dung như một cung điện thu nhỏ trong một kiến trúc đồ sộ “độc nhất vô nhị” ở thành phố Hải Phòng.
Người đứng ra hưng công là cụ Bá Phú, một hào lý có uy tín ở làng xã. Tục truyền, ngày ấy, cụ Bá Phú họ Ngô cùng một số trai làng khỏe mạnh “khăn đùm cơm nắm” vào tận rừng mua gỗ, đóng bè trở về. Nghe tin Quán Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ nổi tiếng đến xin được thi công. Cuối cùng “thắng thần” thuộc về hiệp thợ Ninh Giang (Hải Dương), với đáp số thừa một cây gỗ lim để dùng vào việc chuẩn bị đồ nghề cho thợ. Công việc làm đình gần chục năm và hoàn thành vào năm 1916, số vật tư dân làng trù tính vừa đủ không thừa, không thiếu. Điều này chứng tỏ, khả năng thiết kế xây dựng tài ba của “tổng công trình sư” Bá Phú và dân làng.
Bảo tồn nguyên giá trị
Giá trị đặc biệt của ngôi đình là sự hoành tráng, cổ kính và nghệ thuật trang trí trong các mảng điêu khắc cùng những di vật còn tồn tại. Một số nhà nghiên cứu đã đánh giá ngôi đình như là một mẫu hình thu nhỏ của một số công trình tại cố đô Huế, một di sản văn hóa không chỉ ở nước ta mà của cả thế giới. Trong đình còn lưu giữ 102 di vật, trong đó có 22 sắc phong và có tới trên một trăm mảng điêu khắc với nhiều đề tài phong phú đó là bức cuốn, đầu dư, đầu kìm, câu đầu, các ván đỡ … đều được chạm thủng, chạm nổi, bong hình.
Có thể nói, tại tiền đình, trừ các cột gỗ lim to lớn và hệ thống hoành rui, còn tất cả các thành phần kiến trúc đều được chạm khắc, trang trí. Trên mặt những tấm gỗ lim nặng nề là hàng chục loại hoa lá, chim thú xum vầy, nở hoa kết trái, trong đó chiếm đa số là đề tài rồng, phượng, cỏ cây, hoa lá, là nét điển hình của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong đình, rồng được thể hiện như một linh vật quan trọng nhất. Thân rồng uốn khúc, lúc to lúc nhỏ, lúc ở thế chầu mặt nguyệt, chầu hổ phù, khi thì cuộn mình lượn quanh những đám mây, lướt trên những ngọn sóng hoặc lẫn trong cỏ cây, hoa lá... Bên cạnh rồng là hình ảnh con lân, con phượng, nói lên sự kết hợp của uy quyền và biểu tượng văn chương, thi họa. Người ta cho rằng kỳ lân xuất hiện tiên báo việc ra đời của một vĩ nhân, còn phượng được mô tả với những mô típ “phượng hàm thư”, “phượng múa”… với đầu của loài chim Công, mỏ của chim Nhạn. Tiếp đó là Rùa, biểu tượng của sự trường tồn, khi thì giống như thật, khi thì được cách điệu hóa thành hình vuông, hình lục giác, lúc mang trên mình những hòm sách, cuốn thư, lúc cõng trên lưng hình đồ bát quái hay thanh gươm, cây bút.
Đan xen hài hòa giữa “long, ly, quy, phượng” là “các chép hóa rồng”, “dơi ngậm chữ thọ” … với ý nghĩa cầu mong sự hạnh phúc, giàu có và bao điều tốt lành khác. Bên cạnh đó là vô số “Mai, Lan, Cúc, Trúc, Tùng, Sen” với những hóa thân của Rồng, Phượng, biểu hiện của sức mạnh thiên nhiên, sự kiên cường, tính ngay thẳng của người quân tử, những quả Lựu, quả Bầu tượng trưng cho sự sung túc, no đủ của cư dân vùng nông nghiệp.
Ngoài hiên đình, trên các bày, vãn ngưỡng đều trạm trổ tinh vi “Cúc hóa Long, Lão cúc hóa Phượng, lão Trúc hóa rồng”, hươu sao, chim muông, hoa lá cách điệu … tất cả đều hoàn mỹ làm cho du khách thật hài lòng khi được chiêm ngưỡng nơi đây. Đặc biệt thật thoải mái khi từ hiên đình nhìn ra là một sân đình rộng, phẳng, lát gạch nghiêng, giữa có sân tế, bể non bộ … Quanh đình là một hệ thống trác môn, cổng đối xứng, tường bao nguyên vẹn và đẹp mắt. Đáng kể phải nói tới là hệ thống ngũ môn được đánh giá là đẹp nhất còn lại của thành phố Hải Phòng. Cổng kiến trúc 2 tầng, 8 mái đao cong, các góc đắp vẽ hình phượng, dơi …
Năm 1940, vua Bảo Đại tặng làng Quán Khái bức đại tự in 4 chữ “Mỹ tục thuần phong”, là phần thưởng rất cao quý dưới thời chế độ phong kiến. Tại Hải Phòng hiện nay chỉ còn hai bức đại tự như thế. Bức đại tự của làng Quán Khái hiện lưu giữ tại đình làng, một di tích nghệ thuật cấp Quốc gia. Tháng ba, mùa hoa gạo về cũng là dịp lễ hội truyền thống của đình.