Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm năm 2019: Đảm bảo trang trọng, hấp dẫn

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 10 - 13/5 (mùng 6 - 9/4 âm lịch), tại xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm tổ chức Lễ hội Gióng năm 2019. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc, nhằm tưởng nhớ và tri ân Đức Thánh Gióng - người đã có công dẹp giặc cứu nước thời Hùng Vương thứ 6 và trở thành một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Ông Hiệu Trống tại Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm năm 2018. Ảnh: Nam Bắc
Dàn vai diễn phong phú
Lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra sau khi ướm chân vào vết chân khổng lồ ở vườn cà. Lên 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, đến chân ở núi Vệ Linh (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), Ngài đã cởi áo giáp để lại rồi phi ngựa lên đỉnh núi bay về trời.

Lễ hội Gióng xã Phù Đổng được bắt đầu tổ chức từ khoảng thế kỷ XI, vào đời Vua Lý Thái Tổ. Lý Công Uẩn sau khi sáng lập ra triều Lý, thường đến đền thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng dâng hương cầu xin cho biết vận mệnh đất nước. Chính vua Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội Gióng như ngày nay.
Năm 2010, Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và đền Sóc, huyện Sóc Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với đánh giá: "Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng".

Theo đó, hội Gióng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Đó là các ông Hiệu, bao gồm: Hiệu Trung Quân, Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng... Hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng bao gồm: Phù giá - đội quân chính quy; Phường Ải lao, trong đó có ông Hổ - đội quân tổng hợp; Làng Áo đỏ - đội quân trinh sát nhỏ tuổi; Làng Áo đen - đội dân binh... Ngoài ra, vào các năm diễn ra Lễ hội chính (các năm chẵn, 5 năm một lần) còn có 28 cô Tướng - tượng trưng các đạo quân xâm lược.

Điểm đặc sắc của Lễ hội Gióng là màn tái hiện các trận đánh của Thánh Gióng khi dẹp giặc, còn gọi là Lễ hội trận truyền thống. Sau khi thực hiện những nghi lễ tại đền Thượng, trận đánh bắt đầu với cuộc “trường chinh” dài hơn 2km dọc theo đê làng Phù Đổng. Tới trận địa, đại quân của Thánh Gióng giao chiến với quân giặc được hình tượng hóa bằng màn múa cờ hết sức độc đáo của ông Hiệu Cờ. Hội trận là màn tái hiện hình ảnh uy lẫm của đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân và giành chiến thắng.

Điểm mới trong công tác quản lý

Năm nay, Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm được tổ chức vào 4 ngày, từ 10 - 13/5 (mùng 6 - 9/4 âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phù Đổng.

Để hoạt động lễ hội được diễn ra tốt đẹp, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch tổ chức và quản lý với nhiều điểm mới. Theo đó, ngoài việc tổ chức Lễ hội trận truyền thống, Lễ hội Gióng năm 2019 còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát tuồng, cải lương, hát chèo, quan họ và các hoạt động thể dục thể thao như cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc… UBND huyện Gia Lâm cũng phân công cụ thể trách nhiệm, công việc cho các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan và hai xã tham gia tổ chức lễ hội là UBND xã Phù Đổng, UBND xã Đặng Xá; đồng thời đề nghị các hội, đoàn thể chính trị - xã hội theo sự phân công nhiệm vụ thực hiện khảo sát thực tế tại địa điểm diễn ra lễ hội.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m², đã được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/1975. Ngày 9/12/2013, di tích được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng – Phó trưởng ban Tổ chức Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm năm 2019 cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, Hiệu Cờ là người thôn Đổng Viên, Hiệu Trung Quân là người thôn Đổng Xuyên, Hiệu Chiêng là người thôn Phù Đổng, Hiệu Trống là người thôn Phù Dực, cùng hàng trăm người tham gia vào các vai như Làng áo đỏ, Làng áo đen, đoàn Ải Lao, đội nhạc lễ - trống rồng… cũng đã được chọn xong từ các thôn, đảm bảo thôn nào cũng có người tham gia lễ hội.

UBND xã Phù Đổng cũng đã thực hiện việc trang trí, tuyên truyền về nội quy và chương trình Lễ hội để Nhân dân trong xã nắm được. Đặc biệt năm nay, theo chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm, UBND xã Phù Đổng đã thực hiện quy hoạch các điểm vui chơi hợp lý, không bố trí các điểm kinh doanh dịch vụ trong khu vực di tích và cổng đền. Xã đã phân công lực lượng công an, dân phòng thực hiện ứng trực đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông; bố trí địa điểm và phân công cán bộ trực cấp cứu trong thời gian diễn ra Lễ hội; phân công lực lượng thu gom rác đảm bảo công tác vệ sinh môi trường sạch sẽ trước, trong và sau Lễ hội.

Bên cạnh đó, xã đã bố trí địa điểm và lực lượng trông giữ phương tiện giao thông của Nhân dân khi đến dự Lễ hội, niêm yết công khai giá trông giữ ô tô, xe máy theo quy định...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần