Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội mùa xuân tại Côn Sơn Kiếp Bạc

Vĩnh Quân - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm cứ vào mùa xuân, lễ hội tại Côn Sơn Kiếp Bạc ở TP Chí Linh, Hải Dương được khai hội vào 16 tháng Giêng hàng năm. Đây chính là nét đẹp tâm linh về văn hóa của người Việt được duy trì từ bao đời nay. Đến với Côn Sơn Kiếp Bạc du khách như được trở về với lịch sử của cha ông ta, về một truyền thống tốt đẹp được nhân lên từ đời này qua đời khác.

Quần thể khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi gắn với các vị anh hùng, danh nhân văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó còn là nơi lưu giữ những di tích lịch sử liên quan đến chiến công lẫy lừng của quân và dân nhà Trần 3 lần đánh thắng quân xâm lược hùng mạnh Nguyên Mông thế kỉ XIII. Đặc biệt là địa chỉ đỏ lưu giữ chiến công 10 năm vang dội của nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược. Bên cạnh đó, thân thế và sự nghiệp lẫy lừng của những vị anh hùng cũng lưu giữ tại đây. Như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán…
 
Khu di tích gồm chùa Côn Sơn nằm trên ngọn núi. Tương truyền đây là nơi từng diễn ra trận hỏa công hun lửa tạo khói để vây bắt tướng nhà Ngô của Đinh Bộ Lĩnh thời loạn 12 sứ quân thế kỷ X

Chùa Côn Sơn là một trong 3 trung tâm thiền phái Trúc lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Chùa Côn Sơn từng gắn bó với sự nghiệp lẫy lừng của nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử nước ta như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán, Thiền sư Huyền Quang _ vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp và từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn.

Vào đời nhà Lê, lúc Thiền sư Mai Trí Bản hiệu Pháp Nhãn trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng.Chùa có đến 83 gian, bao gồm các công trình như: tam quan, thượng hạ điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống. Do chiến tranh, hiện nay, chùa Côn Sơn chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ nép mình dưới bóng rợp cổ thụ. Chùa Côn Sơn xưa nay là danh lam cổ tích của đất nước, hiện còn nhiều dấu tích và cổ vật có giá trị.

Đền Kiếp Bạc

Kiếp Bạc là một vùng bán sơn địa, giữ vị trí quân sự tầm chiến lược, ở tả ngạn sông Thương, một nhánh của sông Lục Đầu, thuộc đất hai làng Vạn Yên (Kiếp),Dược Sơn (Bạc) xã Hưng Đạo. Trần Hưng đạo từng tập kết đại quân ở đây. Quân Nguyên trong cuộc xâm lược lần thứ hai và thứ ba chiếm vị trí này làm bàn đạp tấn công Thăng Long. Tháng 6 năm 1285, diễn ra trận Vạn Kiếp, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai. Đại vương Trần Hưng Đạo, lập vương phủ và quân doanh ở Kiếp Bạc từ sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất và sống ở đây cho đến khi qua đời (1300).

Khu di tích Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú được bao bọc bởi dãy núi Rồng, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Trên trán cổng mặt ngoài có 4 chữ “Hưng thiên vô cực”. Qua cổng lớn, bên trái có giếng Ngọc mắt rồng linh thiêng.
 
Tòa điện ngoài cùng của đền thờ Phạm Ngũ Lão, toà thứ hai thờ Hưng Đạo Vương. Tòa cuối cùng thờ phu nhân của Trần Hưng Đạo và hai con gái. Nơi đây có đặt 7 pho tượng của 7 vị: Trần Hưng Đạo, Phu nhân và hai con gái, con rể Phạm Ngũ Lão cùng Nam Tào, Bắc Đẩu. Bên cạnh đó là 4 bài vị thờ con trai ông và hai vị tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng

Khu di tích là một trung tâm tín ngưỡng và du lịch lớn của đất nước.

Đền thờ Nguyễn Trãi

Đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng năm 2000 trên mảng đất rộng 10.000m2 tại chân núi Ngũ Nhạc. Nơi đây là công trình trọng điểm trong khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Nơi đây được thiết kế theo phong cách truyền thống và rất độc đáo. Đền thờ Nguyễn Trãi thỏa mãi nhu cầu du lịch gắn với lịch sử tâm linh của thế hệ mai sau.

Đền thờ Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Trần Nguyên Hãn nằm trên đền thờ Nguyễn Trãi, cũng ở ven suối. Trần Nguyên Hãn là công thần nhà Lê, là em con cậu của Nguyễn Trãi.

Đền thờ Trần Nguyên Đán

Đền thờ Trần Nguyên Đán_ông của Nguyễn Trãi, nằm trên cả đền thờ Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi, gần thượng nguồn suối Côn Sơn. Ông đã nuôi dạy Nguyễn Trãi trưởng thành tại núi Côn Sơn và cùng vợ xây dựng công trình kiến trúc trong núi. Động Thanh Hư là công trình quy mô, hoành tráng với nhiều hạng mục kiến trúc hoà với thiên nhiên.

Khi ông tạ thế, vua Trần nhớ công ơn của ông nên hạ lệnh lập đền, tạc tượng vị Tướng quốc tại Côn Sơn. Tuy nhiên, trải qua bao tháng năm, ngôi đền xưa đã không còn. Năm 2005, Hải Dương xây dựng đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông với kiến trúc theo chữ Đinh. Trong Đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo nghi thức truyền thống. Tượng Quan Đại Tư Đồ thần thái uy nghiêm, nhân từ.

“Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” là câu nói nguồn cội nhớ về ngày mất của Trần Hưng Đạo. Mùa thu tượng âm, tháng Tám giữa thu là chính âm. Đức Thánh Trần Hưng Đạo là cha tượng dương. Lễ hội giỗ cha vào tháng Tám là âm dương hoà hợp. Mùa màng cây cối tốt tươi, vạn sự hanh thông. Lễ hội chính âm được coi là linh thiêng, mọi sự cầu đức đều được linh ứng. Vào tháng 8, nhân dân cả nước lần lượt đổ về đền Kiếp Bạc rất đông.