Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội Ná Nhèm: Hiện tại và tương lai

Bài và ảnh: Hồng Hà (CTV)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bàn tròn “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Ná Nhèm” vừa huyện Bắc Sơn – địa phương nắm giữ di sản, mở ra đúng vào Ngày Di sản Việt Nam 23/11 vừa qua.

Không chỉ chăm chú mục tiêu tiếp tục nghiên cứu, bàn luận tìm ra những giá trị nhân văn, đặc sắc của Lễ hội Ná Nhèm hay công bố kết quả nghiên cứu, mà cuộc hội tụ của các nhà làm văn hóa dân gian này còn góp tiếng nói cho việc tổ chức, định hướng phát triển, xây dựng thương hiệu di sản trong tương lai.
 Lễ hội Ná Nhèm
25 bài viết của các nhà khoa học có uy tín “có mặt” trong hội thảo này tựa như 25 ý tưởng nghiên cứu và hiến kế hay cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bởi bên cạnh việc khẳng định các giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội Ná Nhèm, các nhà nghiên cứu còn đi sâu vào các công tác duy tu, sửa chữa di tích, cơ sở thờ tự, nguồn nước... trong thời gian tới. Thậm chí còn bàn đến cả việc truyền thông, quảng bá các giá trị đặc sắc của di sản trước mùa lễ hội 2017…

Với góc nhìn về các giá trị lịch sử - văn hóa của di sản, các tác giả như nhà thơ Y Phương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Tuấn Cư, Bàn Tuấn Năng, Phan Đăng Thuận, Phan Đăng Long… đã chạm đến những nội dung khoa học khá đặc sắc. Chẳng hạn như vấn đề “hóa thạch ngôn ngữ” của thổ âm người Tày vùng Cao Bằng trong màn đối đáp, cung tiến lễ vật của hai đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức Vua hiện diện trong lễ hội của người Tày ở cửa đình Làng Mỏ (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Hay vấn đề nhà Mạc và những đóng góp cho quá trình phát triển và lan tỏa văn hóa địa phương trong thời kỳ nhà Mạc trị vì ở Cao Bằng; Vấn đề gốc văn hóa của nhà Mạc trong hệ thống các cơ sở thờ tự và trò diễn tại lễ hội…
Đặc biệt, trên cơ sở diễn trình của lễ hội được phục dựng qua tư liệu hồi cố, Ths. Bàn Tuấn Năng – người đã trực tiếp gắn bó với vùng đất này sau 5 năm phục dựng nghiên cứu, đã cung cấp một cái nhìn khá đầy đủ, giàu tính nhân văn của di sản này. Với 3 đặc trưng quan trọng của lễ hội là: Tục hóa trang, bôi nhọ mặt (giấu mặt), gắn với việc đổi họ của họ Hoàng, họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ – thông qua việc giải mã các tín hiệu, biểu tượng bằng nhãn quan khoa học, tục này đã truyền đến cho con cháu các thế hệ kế tiếp về sức sống nội sinh của văn hóa dòng họ, nhắc nhở mọi người luôn nâng cao ý thức đoàn kết cộng đồng để cùng nhau đánh giặc giữ làng, giữ nước. 

 
Từ việc giải mã này, các nhà nghiên cứu đã nhận định rõ 2 nội dung quan trọng là việc mượn tín ngưỡng thờ nước thông qua tục rước nước và tục rước Tàng thinh – Mặt nguyệt (sinh thực khí nam nữ) để trao truyền thông điệp nhắc nhở con cháu và cộng đồng về ước nguyện sinh con đàn cháu đống, củng cố sức mạnh cộng đồng để bảo vệ làng xã, quốc gia. Nhắc nhở con cháu cần có ý thức tạo ra nhiều ngành nghề, hăng say lao động sản xuất, chăm lo cho đời sống trong công cuộc tạo lập và xây dựng làng xã.
Riêng diễn trình của lễ hội, có thể ghi lại trong 7 nội dung chính: Thú nhất là lễ Mộc dục – Tắm rửa, tẩy uế, xin âm dương để nhập các đồ lễ như ống đựng nước tiên, cây thiên tuế, cây lúa, cây ngô, cây khoai sọ, cây bong, kén tằm, tàng thinh – mặt nguyệt… vào đình Làng Mỏ. Để cúng tiến cho đức Vua, các ông Mo, ông Hội và 4 anh Tưởng đều phải thực hiện kiêng giới, chay tịnh trước ngày 14 âm lịch vài ngày. Mục đích của lễ này là nhằm tẩy uế, làm thanh sạch các đồ lễ về mặt tâm linh, trước ngày cung tiến cho đức vua. Thứ hai là rước nước từ miếu thờ vua Miêu Tĩnh (Mạc Thái Tổ) về đình cúng lễ. Hành động này được phủ bóng bởi tín ngưỡng thờ mước, sau đó là nhằm để trao truyền thông điệp rước Nước = Quốc gia về cho cháu con. Đây thực chất là sự hoài niệm của con cháu họ Mạc trước sự suy vi của một vương triều, khiến cháu con phải thay tên, đổi họ… ly tán muôn phương. Thứ ba là lễ rước long ngai, bài vị đức Vua từ đình Làng Mỏ ra đình tạm đặt bên cạnh miếu Xa Vùn để Ngài ngự, xem con cháu đánh trận và cung tiến lễ vật. Trong suốt thời kì trị vì Thăng Long cũng như ở Cao Bằng, các vua Mạc hầu hết đều trị vì thiên hạ trên lưng ngựa bởi đất nước rơi vào nội chiến, loạn lạc binh đao. Hành động rước đức vua ra đình tạm ngự là nhằm tái hiện việc Mạc Thái Tổ ân cần ra khỏi kinh thành, ra khỏi nơi ở dưới Dương Kinh để đón nhận khúc ca khải hoàn của con cháu trong tinh thần thượng võ.
Nội dung thứ tư là trò diễn đánh đại đao, gươm mác và cung tiến lễ vật của 2 đoàn quân tướng nước Ngô và nước Lào cho đức Vua. Hình ảnh hai láng giềng “nước Ngô” va “nước Lào” đến tiến công thể hiện rõ mong ước về việc xây dựng một quốc gia lớn mạnh, các thế lực lân bang phải ngả mũ, cúi đầu thuần phục. 

 
Bên cạnh đó, do luật lệ nghiêm khắc, việc rèn luyện binh đao, khí giới là công việc của các quan quản việc quân sự triều đình. Do đó, việc dựng nên màn tập trận, đánh đại đao, gươm giáo về bản chất của con cháu họ Mạc (họ Hoàng và họ Bế) là nhằm để che mắt triểu đình, che mắt thế gian để dòng họ tự củng cố lực lượng, củng cố sức mạnh hợp pháp để đánh giặc giữ làng, giữ nước… Thứ năm là trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục. Các trò diễn này được tiến hành với mục đích con cháu cùng nhau trao truyền các nghề nghiệp để mưu sinh. Điểm đáng chú ý nhất tại màn đối đáp, diễn xướng này là hình ảnh anh tiến sĩ đăng khoa đi sang nước Nhật để học hỏi. Đây cũng là một dấu ấn của nhà Mạc, khi Mạc Thái Tổ về đất Hải Phòng để dựng Dương Kinh, từng bước thiết lập quan hệ thương mại với Nhật Bản. Thứ sáu là màn Giáo Thiên lôi của ông tướng, rắc ống nước Tiên của đức Vua ra 4 phương để ban bình an no ấm cho mọi người. Đây thực chất là đức vua (do ông tướng mở đầu màn đọc chúc văn này bằng câu “trời sinh tôi xuống”) thông qua tín ngưỡng thờ nước trong nông nghiệp để tiếp tục ban nước lành cho mùa màng thuận hòa, tươi tốt. Ngoài ý nghĩa trên, màn giáo thiên lôi này còn mang một thông điệp nữa là “thiên tử” ban Nước – Quốc gia cho con cháu tiếp tục sinh sống, làm ăn, tiếp tục sinh sôi, nảy nở, để dòng họ lại sớm trở nên đông vui, hùng mạnh… Cuối cùng là rước long ngai bài vị của đức Vua từ đình tạm về đình Làng Mỏ.

Phải nói rằng, ở góc nhìn về cách thức tổ chức, phát huy giá trị lễ hội Ná Nhèm đã có nhiều “hiến kế” hay. Các nhà khoa học đã bàn cách làm thế nào để xây dựng thương hiệu điểm đến cho việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh của dịa phương; cách thức quảng bá các nội dung giàu tính nhân văn của lễ hội.

Các nhà quản lý văn hóa đánh giá rất cao những cống hiến của các nhà nghiên cứu dành cho di sản này. Hy vọng lễ hội Ná Nhèm sẽ trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong thời gian tới vì những giá trị nhân văn và độc đáo vốn có của nó.