Đây cũng là sự kiện chào mừng đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia đình Kim Ngân vào ngày 29/3..
Tại lễ tôn vinh nghề kim hoàn, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức trưng bày những sản phẩm mỹ nghệ kim hoàn tiêu biểu do các nghệ nhân thực hiện; trưng bày bộ sưu tập tiền cổ qua các thời kỳ. Cùng với việc trang trí trên tuyến phố Hàng Bạc tạo ấn tượng tới du khách về nghề kim hoàn truyền thống ở phố cổ Hà Nội; Ban tổ chức còn làm nổi bật 89 cửa hàng kinh doanh kim hoàn, kết hợp các nghệ nhân làng nghề trình diễn thao tác nghề tại một số địa điểm trên phố.
Phố Hàng Bạc được trang trí trong ngày lễ hội.
Tại lễ hội này, đình Kim Ngân - 42 Hàng Bạc, nơi thờ tổ nghề là điểm nhấn chính. Nơi này giới thiệu các sản phẩm kim hoàn tiêu biểu của làng nghề Định Công, Châu Khê, Đại Bái đồng thời có cả sản phẩm các làng nghề mỹ nghệ như: Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), Tràng Sơn (huyện Thạch Thất).
Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ Bách Nghệ (tổ trăm nghề). Ngôi đình do những người dân làng Châu Khê (Hải Dương) lên kinh thành làm nghề kim hoàn xây dựng. Đình Kim Ngân nằm trên phố Hàng Bạc, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa. Những năm đầu thế kỷ 20 và cho đến nay, Hàng Bạc là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn Hà Nội.
Đình có kiến trúc cơ bản gồm: nghi môn, sân, tiền tế hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công", đại đình ba gian, hậu cung ba gian, có sàn thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là ống muống theo kiểu kiến trúc hai tầng mái. Đình còn lưu nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề, thợ kim hoàn tạo nên.
Trước đây, đình Kim Ngân có hàng chục hộ gia đình ở. Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã di dời các hộ dân, tôn tạo đình khang trang như ngày nay. Từ đó, Lễ hội nghề kim hoàn mới được tổ chức. Với những giá trị trên, đình Kim Ngân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 10-2012.
Đến với Lễ hội nghề kim hoàn, khách tham quan sẽ được tìm hiểu về lịch sử nghề kim hoàn, nghệ thuật kim hoàn, xem trình diễn các kỹ thuật chế tác kim loại quý do chính các nghệ nhân giỏi nhất của phố nghề Hàng Bạc giới thiệu và trình diễn. Mặc dù mới hình thành, nhưng lễ hội nghề kim hoàn đã góp phần tôn vinh nghệ thuật kim hoàn truyền thống, tăng cường quảng bá sản phẩm kim hoàn. Đặc biệt, lễ hội góp phần thu hút rất đông khách du lịch đến với khu phố cổ.