Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội trong thời dịch Covid-19

Quý Nguyễn – Đào Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định 2 năm nay không còn không khí náo nức, rộn ràng do các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Việc các lễ hội phải dừng tổ chức ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của những người dân buôn bán tại khu vực di tích đền Trần, chùa Tháp và quần thể di tích Phủ Dầy.

Thông báo dừng tổ chức lễ hội Khai Ấn và nhắc nhở người dân tuân thủ quy định phòng tránh dịch bệnh của Ban Quản lý khu du tích lịch sử đền Trần (Nam Định).
Khung cảnh thưa thớt, vắng vẻ
Hàng năm, vào dịp đầu năm âm lịch, tại đền thờ các Vương triều nhà Trần thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, dân làng tổ chức lễ khai Ấn vào canh giờ Tý (tối 14 rạng sáng 15 tháng Giêng). Mỗi năm, Lễ hội đền Trần đón hàng chục nghìn lượt du khách bốn phương đổ về tham gia lễ hội. Tuy nhiên, cũng giống như năm 2020, mùa lễ hội năm nay tiếp tục phải dừng tổ chức do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Vào đêm 25/2 (tức 14 tháng Giêng), chỉ có các cụ cao niên làng Tức Mặc tiến hành nghi lễ tâm linh, dâng hương, cúng lễ các vua Trần. Nhà đền vẫn chuẩn bị ấn cho đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xin ấn, song không phát ấn tập trung mà chuyển qua đường bưu điện.

Trái ngược với hình ảnh đông đúc, tấp nập các đoàn người đến tham gia lễ hội hay cảnh chen chúc để xin ấn tại đền Trần như mọi năm, giờ đây chỉ còn lác đác vài người dân đến thắp hương và cầu may mắn bình an. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra tại di tích chùa Tháp ngay gần đó. Như mọi năm, lượng du khách đổ về tham quan và dâng lễ rất đông đúc nhưng theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại rất thưa người ghé đến. Tại bãi gửi xe, khu vực trong và ngoài chùa rất vắng vẻ. Một khu di tích nổi tiếng khác nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đang chịu cảnh tượng vắng vẻ, thưa thớt là quần thể di tích Phủ Dầy. Như mọi năm, lượng du khách thập phương đổ về để dâng lễ, dâng hương và tham quan, chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo nơi đây rất đông đúc, nhộn nhịp. Riêng lễ hội chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 7 – ngày mùng 8 tháng Giêng, chính quyền địa phương đã quyết định không tổ chức phiên chợ “mua may bán rủi” nổi tiếng này.

Hàng quán ế ẩm, thu nhập giảm sút

Các lễ hội không được tổ chức nên những người buôn bán tại khu vực xung quanh các khu di tích bị ảnh hưởng lớn. Bà Mai Thị Dung, người bán hàng gần khu vực di tích đền Trần – Chùa Tháp cho biết, việc dừng tổ chức lễ hội khiến thu nhập từ quầy hàng đồ lễ, hoa quả giảm sút rất nhiều nhưng cũng đành chấp nhận vì tình hình dịch bệnh chung đang diễn ra khắp cả nước. Tại phủ Vân Cát thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, tình hình cũng không khả quan hơn. Hàng quán ế ẩm, thưa thớt, thi thoảng lắm mới có vài người ghé vào mua thẻ hương hoặc ngồi uống nước.

Được biết, cùng với việc dừng tổ chức lễ hội nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân được tham quan, du lịch tại các di tích, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền các địa phương của tỉnh Nam Định cũng in các tấm pa nô, áp phích nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch để người dân vẫn có thể du Xuân an toàn. Tổ trưởng tổ Từ đền Trần Trần Huy Chiến cho biết: Năm Tân Sửu 2021, cùng với việc hủy toàn bộ phần hội, lễ khai ấn đền Trần cũng được Ban Quản lý di tích đền Trần thực hiện trong nội bộ với khoảng 35 người tiến hành việc khai ấn để giữ gìn truyền thống. Đền vẫn đón khách về lễ song vẫn phải bảo đảm công tác phòng dịch nghiêm túc.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều người có tâm lý lo lắng, thì việc đến với các cơ sở tín ngưỡng, tâm linh là một hình thức giúp người dân giảm bớt những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đất nước đang trong cuộc chiến chống dịch bệnh, vì thế việc đi lễ đông người là một hành động không được khuyến khích. Nghĩ đến an toàn sức khỏe của người khác cũng là một việc thiện lành, tâm linh chúng ta nên làm mà không nhất thiết phải đi lễ đông người ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia - PGS.TS Bùi Hoài Sơn