Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ khai giảng ở ngôi trường đặc biệt nhất Hà Nội

Tin và ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt trong veo của học trò, ta thêm yêu nghề dạy học, thêm tận tâm với nghề, tận nghĩa với đời, giữ gìn vẹn nguyên hình ảnh người thầy - những khuôn vàng thước ngọc” - cô Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) xúc động chia sẻ trước 1.646 học sinh trong Lễ Khai giảng sáng 5/9.

Đúng 7 giờ 30 phút hôm nay (5/9), tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu diễn ra Lễ Khai giảng năm học mới 2018 - 2019 với sự tham dự của 83 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và 1.646 em học sinh.
Học sinh bình thường và học sinh khiếm thị cùng biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng.
Trong niềm vui náo nức của ngày tựu trường hôm nay, ngôi nhà Nguyễn Đình Chiểu vui mừng chào đón 14 bạn học sinh khiếm thị vào học lớp 1. Năm học này, nhà trường có 203 em học sinh lớp 1 và 152 học sinh lớp 6.
Ghi nhận tại Lễ khai giảng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã bắt gặp những hình ảnh rất cảm động và giàu lòng nhân ái ở ngôi trường có chức năng làm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập. Các bạn học sinh bình thường nói chuyện và hỗ trợ các bạn học sinh khiếm thị một cách tự nhiên.
Toàn cảnh Lễ khai giảng ở trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Hay, hình ảnh các cô giáo dắt tay từng bé khiếm thị đi đến khu vực lớp 1 để ngồi vào ghế dự Lễ khai giảng. Thậm chí có cô giáo trẻ còn bế học sinh khiếm thị vào lòng, với cái nhìn trìu mến. “Các em học sinh khiếm thị sẽ ở nội trú tại trường, chỉ cuối tuần mới trở về gia đình. Cho nên từ công việc chăm sóc, hướng dẫn ôn tập, học hành, đưa các em vào lớp học đều do các thầy cô đảm nhiệm. Chúng tôi luôn coi học sinh như con cháu trong nhà” - cô Chu Thùy Dương - Phụ trách học sinh khiếm thị khu nội trú cho hay.
Sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng và học thêm khóa học chăm sóc đặc biệt, cô Thùy Dương đã được lãnh đạo trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nhận vào làm việc. Chỉ sau 2 năm công tác, nhưng cô Dương đã rất gắn bó với mái trường Nguyễn Đình Chiểu cũng như các em học sinh nơi này. Cũng bởi, cô rất yêu quý trẻ con nên cô Dương mong muốn sẽ được gắn bó lâu dài để được chăm sóc, hỗ trợ các em học sinh bình thường và nhất là học sinh khiếm thị có cơ hội được học hành, phát triển.
“Ở nơi này, em đã nhận được rất nhiều tình cảm từ các em khiếm thị, thậm chí có những em coi mình như người mẹ thứ hai, mọi chuyện từ nhỏ đến lớn đều được các em chia sẻ” - cô Dương xúc động nói.
Cô Chu Thùy Dương luôn coi các em học sinh khiếm thị như con cháu ruột của mình
Lần đầu tiên được dự Lễ khai giảng, em Đào Đức Mạnh - học sinh lớp 1A3 và em Đào Quỳnh Chi - Học sinh lớp 1A2 bẽn lẽn chia sẻ niềm vui của người khiếm thị. Trong ngày đầu năm học mới, Đức Mạnh và Quỳnh Chi chỉ có mong muốn học giỏi và được làm quen với nhiều bạn trong lớp.
Trong khi đó, em Đỗ Thị Dương - Học sinh lớp 9A3 lại có cảm xúc vui buồn xen lẫn. Em vui vì được dự Lễ khai giảng có nhiều tiết mục văn nghệ do các bạn và thầy cô biểu diễn. Cho dù không nhìn thấy khuôn mặt từng người, nhưng em cảm nhận thầy cô và các bạn hát hay và rất xinh đẹp.
Đây là khai giảng cuối cùng trong 9 năm Dương học ở mái trường Nguyễn Đình Chiểu nên em thật sự rất xúc động và nuối tiếc. “Em đã có dự định, sau khi học xong lớp 9, sẽ đăng ký vào học trường bình thường. Cho dù, có đi đâu thì em vẫn không thể nào quên các thầy cô ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã dày công chăm sóc và dạy dỗ chúng em trưởng thành” - em Phạm Thị Thương - Học sinh lớp 9A3 cho hay.
Cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu chăm lo các em học sinh khỏi cái nóng oi bức.

Phát biểu trong Lễ khai giảng, cô Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng nhà trường xúc động nói lời động viên những học trò thân yêu: “Các em hãy tự tin bước đi trên con đường chinh phục tri thức, bởi xung quanh các em có rất nhiều những vòng tay tràn đầy yêu thương của thầy cô và bạn bè tiếp thêm nghị lực”.
Theo cô Nga, mỗi lần nhìn thấy anh mắt trong veo của học trò, ta thêm yêu nghề dạy học, thêm tận tâm với nghề, tận nghĩa với đời, để rồi, giữ gìn vẹn nguyên hình ảnh người thầy - những khuôn vàng thước ngọc.