70 năm giải phóng Thủ đô

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh

Nhóm Phóng Viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối ngày 19/11, lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch Covid-19 chính thức diễn ra tại điểm cầu chính là hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh vào lúc 20 giờ, và các cơ sở thờ tự thực hiện nghi thức rung chuông, thả hoa đăng vào lúc 20 giờ 30 phút.

Tại TP Hồ Chí Minh có hơn 17.300 người tử vong (chiếm hơn 74% cả nước). Trong hàng ngàn trường hợp đau thương ấy, có nhiều hoàn cảnh mất đi trụ cột gia đình khiến cả nhà rơi vào bế tắc, khó khăn. Thậm chí, không ít trẻ em bỗng hoá mồ côi vì mất đi cha, mẹ, ông, bà cùng lúc.
 Không khí lễ tưởng niệm đồng bào đã mất trong dịch Covid-19 diễn ra ở điểm cầu chính Dinh Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: Hà Kiều
Theo ghi nhận, từ 19 giờ đã có rất nhiều người trẻ thay nền avatar trên các tài khoản mạng xã hội với thông điệp tưởng nhớ, kèm hastag: #dayluicovid-19 #VietNamcolen #doanthanhnien #tuoitreThudo. 
Đồng thời, tại các khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân,… cũng được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân đồng loạt chuẩn bị để tắt đèn và thắp nến tưởng niệm.
 Vào lúc 20 giờ 10 phút, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Huy Chương
Đến khoảng 19 giờ 30 tại Dinh Thống Nhất (quận 1), sân khấu và các hàng ghế đã được chuẩn bị tươm tất. Toàn không gian được trang trí với ánh đèn vàng, trầm, trang trọng cho buổi lễ tưởng niệm. 
Tham dự lễ tưởng niệm có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 
 Phút tưởng niệm bắt đầu vào đúng thời điểm 20 giờ 30 phút. Ảnh Hà Kiều
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, trong cuộc chiến cam go, ác liệt đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí.
“Dù đã “chiến đấu kiên cường”, làm hết sức mình để chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm nên đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 23.000 đồng bào tử vong. Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối.
Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời - thật là đau xót”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN bày tỏ và nhấn mạnh vô cùng chia sẻ với nỗi đau chung của các gia đình, đồng thời cho biết đại dịch đã khiến hơn 2.600 trẻ em lâm vào cảnh mồ côi, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời.
 Đồng chí Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm các nạn nhân Covid-19. Ảnh: Huy Chương
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra ác liệt, nguy hiểm nên nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội. “Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ.
Thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với người thân những người quá cố, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong các gia đình nén đau thương, vượt qua sự mất mát quá lớn để trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới.
 Các đại biểu dâng hoa tưởng niệm. Ảnh: Huy Chương
Vừa đúng 20 giờ 30 phút, 1 phút tưởng niệm bắt đầu, lãnh đạo TP và người dân ở tất cả địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm trên địa bàn TP cùng hoà vào không khí trang nghiêm, đồng lòng hướng về đồng bào và cán bộ, chiến sĩ qua đời trong đại dịch Covid-19.

Tại Hội trường Thống nhất, vào lúc 20 giờ 35 phút, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đại diện Đảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện nghi thức thắp tâm nhang. Ngay sau đó, các đại biểu cũng đã dành thời gian dâng hương, hoa một lần nữa tưởng nhớ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Cùng thời điểm, tại chùa Pháp Hoa (quận 3), không gian buổi lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 cũng được thắp sáng bởi hàng trăm hoa đăng quanh khuôn viên chùa, trong đó có 19 chiếc đặt dọc 2 bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đồng thời, lễ thả 3.000 hoa đăng cũng chính thức bắt đầu với sự tham dự của tất cả thân nhân người mất, phật tử và chức sắc các tôn giáo khác. Ngoài chùa Pháp Hoa, quận đoàn Bình Thạnh cũng có 350 chiếc hoa đăng thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 200 hoa cúc trắng, 20 ngọn đuốc cho lễ tưởng niệm.

 Thời khắc thiêng liêng khi mọi người cùng đốt nén tưởng niệm người đã khuất. Ảnh: Hà Kiều
Trong khi đó, các quận 1, 3,4,5,8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình cũng tổ chức thực hiện thả đèn hoa đăng tại chùa Pháp Hoa (kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, quận 3) và Cầu Mống (kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 4) trong không khí trang nghiêm.

Cuối cùng là các hoạt động, rung chuông tại các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…); tàu, thuyền, sà lan… kéo hồi còi; người dân tắt đèn và thắp nến tưởng niệm tại nhà và không gian sinh hoạt chung…

 Thả hoa đăng tại chùa Pháp Hoa, quận 3, TP Hồ Chí Minh để tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ mất trong dịch Covid-19. Ảnh: Huy Chương
Có mặt tại chùa Pháp Hoa, anh Nguyễn Thanh Huy (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) đánh giá, lễ tưởng niệm là hình thức rất nhân văn, ý nghĩa: “Đây chính là lời động viên, an ủi với gia đình có người mất vì Covid-19. Những người chưa kịp nhìn mặt người thân trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Tôi tin, buổi lễ sẽ giúp những người còn sống có thể nói lời chào tạm biệt với người thân đã mất trong đại dịch vừa qua” – anh Huy nói.
Cũng trong tâm trạng đầy xúc động, chị Hoàng Ngọc Anh (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, buổi lễ tưởng niệm chính là lời nhắc nhở cho chúng ta – những người đang sống, đang khoẻ mạnh, phải chung tay cùng TP và cả nước bảo vệ thành quả chống dịch: “Đau thương, mất mát nào rồi cũng sẽ qua, cái quan trọng là phải chiến đấu, phải giữ đừng để TP Hồ Chí Minh phải thêm một lần nào nữa mất mát, tang thương” – chị Ngọc Anh nghẹn ngào. 

Bình Dương: Đúng 20 giờ tối 19/11 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương trang trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.

Dự lễ tưởng nệm có ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương; lãnh đạo các trung tâm y tế trong tỉnh, chức sắc các tôn giáo và đại diện 48/2.500 gia đình, cán bộ, chiến sĩ tại Bình Dương có người thân tử vong trong đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã có bài phát biểu xúc động trước hương hồn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19; gửi lời chia buồn, chia sẻ và động viên tinh thần đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các gia đình có người thân tử vong vì Covid-19. “Biến đau thương thành hành động”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao đã hứa không để đại dịch quay lại, ra sức khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
 Tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương

Bà Lương Thị Gái là vợ cựu chiến binh Nguyễn Văn Sang (phường An Thạnh, TP Thuận An, đã hy sinh trong đại dịch Covid-19) không kiềm được xúc động đại diện các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 chia sẻ: “Mất mát đau thương không gì bù đắp được, gánh nặng gia đình đang đè nặng lên đôi vai những người ở lại, nhưng không thể gục ngã. Lễ tưởng niệm đã tiếp thêm nghị lực, niềm tin, tinh thần đoàn kết để các gia đình có người thân tử vong do Covid-19 vượt qua khó khăn cùng mọi người phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, không để Covid-19 quay trở lại”.

Cùng thời điểm, nhà thờ Thành Guise và chùa Hội An thực hiện nghi thức rung chuông, gióng trống, tổ chức lễ cầu nguyện, cầu siêu với 2.600 ngọn nến tượng trưng cho số người đã chết, hy sinh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua trên địa bàn tỉnh; các bảng điện tử ngoài trời sáng lên dòng chữ “Lễ Tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19”. Các cơ quan, địa phương dừng hoạt động vui chơi giải trí trong thời gian diễn ra lễ tưởng niệm. Sau lễ tưởng niệm, lãnh đạo các địa phương tổ chức thăm hỏi các gia đình có người thân tử vong do Covid-19.