Lễ tưởng niệm người hy sinh, tử vong vì Covid 19: Khi nỗi đau chưa thể nguôi ngoai…!

Nguyên Bảo - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 đã được tổ chức. Hành trình đau thương mang tên “Covid 19” đã khiến hơn 23.000 người ra đi mãi mãi và rất nhiều em nhỏ trở thành trẻ mồ côi. Có mặt tại buổi Lễ tưởng niệm tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội) có nhiều gia đình đã mất đi người thân bởi đại dịch và với họ đến nay nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai...

Nỗi đau không thể nói thành lời
Đứng trước bục Lễ tưởng niệm, anh Võ Đăng Thành (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) bùi ngùi gửi lời cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức buổi lễ long trọng ngày hôm nay. 
Anh Thành chia sẻ, gia đình anh có 9 người mắc Covid-19, hiện 8 người đã khoẻ, khỏi bệnh. Tuy nhiên, mẹ anh là cụ Phạm Thị Vinh (73 tuổi) mắc Covid-19 đã không được may mắn do có bệnh nền, nên tử vong cách đây 36 ngày.
 Quang cảnh Lễ tưởng niệm tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (Hà Nội).
“Mọi thứ diễn ra bất ngờ quá, tôi không ngờ nó lại xảy đến với gia đình mình. Mẹ tôi mất đã hơn một tháng nhưng tôi vẫn chưa dám tin là mẹ mình đã mất. Giờ tôi chỉ mong muốn làm sao dịch bệnh mau chóng chấm dứt để cuộc sống sớm trở lại bình thường” - anh Thành ngậm ngùi. 
Anh Thành cho biết, thời điểm mắc Covid-19 và được đưa đi điều trị anh và gia đình được các bác sỹ, nhân viên y tế rất quan tâm, chăm sóc. Chính vì thế nên diễn biến bệnh không trở nặng và chỉ sau một thời gian ngắn là anh khỏi bệnh và xuất viện. “Khi bị mắc Covid-19, sức khoẻ của tôi không bị ảnh hưởng nhiều, chắc chỉ có những người mắc bệnh nền mới nguy hiểm, diễn biến sức khoẻ trở nặng” - anh Thành nhớ lại.
Ngồi ôm con gái lên 5 tuổi dự Lễ tưởng niệm, anh Nguyễn Văn Trọng (37 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết: “Đến giờ này ngồi đây tôi vẫn chưa dám tin những gì xảy ra với gia đình mình thời gian vừa qua, mọi thứ đến với tôi quá nhanh”.
Theo lời kể của anh Trọng, vào những ngày trung tuần tháng 7 tại khu vực gia đình anh sống phát hiện có người mắc Covid-19. Tới ngày 27/7, vợ anh là chị Trần Thị Thu Hà (28 tuổi) được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 và sau đó cho kết quả xét nghiệm PCR khẳng định mắc Covid-19, được đưa đi cách ly, điều trị. Lúc này, chị Hà đang mang bầu tháng thứ 5.
“Lúc nhận tin vợ mắc bệnh, tôi cảm thấy khủng khiếp lắm, mọi thứ như muốn sụp đổ, đó là cú sốc quá lớn đối với tôi và gia đình. Căn bệnh này không giống như những bệnh khác mọi thành viên có thể chăm sóc, quan tâm động viên nhau. Đây vợ, chồng, con cái phải ở xa cách. Lúc vợ bị bệnh tôi chỉ có thể an ủi, động viên vợ qua điện thoại” - anh Trọng kể.
 Anh Nguyễn Văn Trọng và con gái tại Lễ tưởng niệm ở điểm cầu Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội).
Theo chia sẻ của anh Trọng, sau thời gian điều trị, đến ngày 12/9, do sức khoẻ yếu, nên chị Hà đã không qua khỏi. Thời điểm diễn biến sức khoẻ của vợ chuyển biến xấu và mất đột ngột, khiến anh gặp cú sốc lớn. “Nỗi đau ấy tôi không thể nói thành lời, nỗi đau này tôi xin khắc ghi nó ở trong lòng. Đến nay, vợ tôi cũng đã mất hơn 2 tháng, nhưng kể từ ngày vợ mất chưa một đêm nào tôi ngủ yên giấc. Còn con gái tôi là cháu Nguyễn Ngọc Bảo Anh (5 tuổi) mấy tháng qua, cứ đêm xuống lại khóc gọi mẹ. Để cháu có thể ngủ ngon giấc mấy tháng qua tôi vừa làm bố vừa phải gánh vác thêm trọng trách của người làm mẹ. Đau đớn lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào” - anh Trọng chia sẻ.
Sẻ chia với mất mát, hy sinh của đồng bào
Có mặt tại lễ tưởng niệm tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (Hà Nội), chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Dù toàn đảng, toàn quân, toàn dân đã vào cuộc hết sức quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe và sự an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Tuy nhiên, dịch bệnh khốc liệt, chưa có tiền lệ, hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình và bạn bè.
 Người dân thả đèn hoa đăng để tưởng niệm những người đã mất do Covid-19 tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội).
Sinh mệnh con người là điều đáng quý nhất. Cho nên sẽ chẳng có gì bù đắp được với sự mất mát quá lớn này. Trong đó có biết bao người không được tổ chức một lễ tang trọn vẹn vì dịch bệnh. Hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi.
Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, Lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình.
 Người dân chắp tay cầu nguyện cho những người đã mất do Covid-19.
Từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch. Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế - xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần