Lễ Vu Lan trực tuyến: Cầu nối trọn vẹn tâm hiếu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mùa Vu Lan báo hiếu đang đến gần trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, người dân không thể đến trực tiếp các cơ sở thờ tự, nơi an nghỉ của người thân để làm lễ. Chính vì vậy, nhiều hình thức sáng tạo trong tổ chức nghi lễ Vu Lan trực tuyến đã được các tổ chức, DN thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân.

Ứng dụng linh hoạt trong dịch bệnh

Sáng 18/8, gia đình anh Nguyễn Đức Hồng (Khu đô thị Geleximco, Hà Đông, Hà Nội) đã dậy sớm để chuẩn bị đồ lễ, thắp hương cho bố nhân ngày lễ Vu Lan. Nhưng do dịch Covid-19 và thực hiện việc giãn các xã hội, anh Hồng cùng gia đình không đến được phần mộ của bố tại công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để thắp hương, đặt lễ trực tiếp. Chính vì vậy, anh Nguyễn Đức Hồng và gia đình đã lựa chọn phương án làm lễ Vu Lan cùng lúc tại nhà và thông qua dịch vụ đặt lễ Vu Lan online tại website của công ty.
 Gia đình anh Nguyễn Đức Hồng chuẩn bị lễ. Ảnh: Minh An.

Sau khi đồ lễ của gia đình hoàn tất, dâng lên ban thờ, anh Nguyễn Đức Hồng đã dùng máy tính, kết nối qua ứng dụng công nghệ để nhân viên của Lạc Hồng Viên kết nối hình ảnh đến phần mộ của người thân. Qua video call, anh Hồng cùng với mẹ và các thành viên trong gia đình chứng kiến trực tiếp mọi hoạt động cúng giỗ online tại phần mộ. Gia đình có thể lễ vọng, bái vọng qua màn hình trước hình ảnh khuôn viên phần mộ của gia đình.

Quan trọng nhất với những người con Phật là chữ Tâm. Vì vậy, dù chúng ta trực tiếp tham dự hay qua các hình thức gián tiếp, nhưng tâm của chúng ta hướng về tổ tiên ông bà, cha mẹ bằng việc làm, hành động tốt thì đều thể hiện được sự hiếu thảo, trọn vẹn tâm hiếu, ông bà tổ tiên vẫn chứng tâm, chứng dám cho lòng thành của chúng ta. Trong mùa Vu Lan năm nay, sống có trách nhiệm với bản thân, là có trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Cũng chính là làm tròn chữ “Ân” đầu tiên trong Tứ Trọng Ân mà Đức Phật đã chỉ dạy. Đó là Ân Tổ Quốc.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình

Sau khi làm lễ Vu Lan trực tuyến, anh Nguyễn Đức Hồng chia sẻ: “Tôi cũng giống như nhiều người Việt, đến mùa Vu Lan, gia đình đều muốn đưa con cháu quây quần đến mộ của người thân để thắp nén hương. Nhưng do dịch Covid-19 không thể đi lại, gia đình quyết định lựa chọn dịch vụ làm lễ online. Ban đầu, tôi thấy có điều gì chưa đúng với tâm của mình với người đã khuất. Nhưng sau nhìn thấy phần mộ của ông được chuẩn bị chu đáo, tôi cảm thấy hài lòng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi truy cập vào website lachongvien.vn, khách hàng có nhu cầu làm lễ Vu Lan trực tuyến có thể chọn chuyên mục “Cúng giỗ và đặt giỗ”, sau đó click vào gói “Vu lan 1”, “Vu lan 2”, lựa chọn và ghi chú yêu cầu. Trong quá trình làm lễ, nếu gia đình khách hàng không thể xem nghi thức trực tuyến, bộ phận làm lễ sẽ chụp ảnh, ghi hình lại và gửi về địa chỉ email, tài khoản của khách hàng.

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Tổng Gián đốc Công ty Toàn Cầu Trần Tuấn Anh chia sẻ: Lạc Hồng Viên hiện có hơn 1.700 khuôn viên phần mộ đang có hương linh an nghỉ, trong những ngày tháng 7 Vu Lan, lượng khách đặt cúng giỗ online đã lên tới nghìn phần mộ. Vì vậy khối lượng công việc khá nhiều, khách đặt tập trung nhiều các lễ: cỗ chay, cô mặn, hoa quả đồ mã. Toàn bộ nhân viên tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên giai đoạn này được huy động tập trung vào thực hiện chương trình cúng giỗ online. So với năm ngoái, lượng đặt hàng tăng hơn 50%. Dù thực hiện qua hình thức trực tuyến, online, nhưng mọi khâu từ chuẩn bị, lễ vật, đồ cúng, quần áo chúng sinh, khóa lễ đều diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh, đầy đủ và thiêng liêng nhất”.

Quan trọng thành tâm

Mới đây, Ban Tôn giáo TP Hà Nội ngày đã ban hành Văn bản số 199/BTG-NV2 về việc tổ chức hoạt động trong dịp lễ Vu lan Phật lịch 2565 - dương lịch 2021. Theo Ban Tôn giáo TP, Lễ Vu Lan năm nay diễn ra theo chương trình Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, TP tại Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP. Vì thế, Ban Tôn giáo TP Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị có liên quan tại địa phương căn cứ tình hình dịch Covid-19 ở địa phương để tổ chức các hoạt động nhân mùa Vu Lan phù hợp với truyền thống Phật giáo, bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
 Anh Nguyễn Đức Hồng trong buổi lễ Vu Lan trực tuyến. Ảnh: Minh An.

Trong đó, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để thực hiện các nghi lễ tôn giáo, thuyết giảng… bằng hình thức trực tuyến (khi có nhu cầu), người tham gia thực hiện lễ nghi là tăng, ni thường trú, tạm trú tại cơ sở tự viện. Văn bản cũng yêu cầu sư trụ trì, người đại diện cơ sở tự viện chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật nếu việc không chấp hành, thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19, phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tự viện làm lây nhiễm trong chức sắc, chức việc, tín đồ và cộng đồng.
 Hình ảnh trực tuyến từ phần mộ của người đã mất. Ảnh: Minh An.

Trước băn khoăn của nhiều người dân về việc không được có mặt trực tiếp tại các chùa để dự lễ Vu lan thì sẽ không trọn lòng thành, Thượng toạ Thích Đạo Hiển - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chia sẻ: “Sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính bởi lẽ Phật tại tâm. Đức Phật dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần