Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệch…

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nào cũng rôm rả những triển lãm, hội thảo, hoạt động kỷ niệm đi kèm với niềm tự hào về độ giàu có di sản mà thiên nhiên ban tặng.

Không tự hào sao được khi ta đang sở hữu trong tay trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5.000 di tích cấp tỉnh, cộng thêm gần 1.000 di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ. Đáng nói hơn cả là 22 di sản thế giới đã được công nhận và tôn vinh.
Tự hào là vậy, nhưng trong lòng những người yêu di sản Việt vẫn cứ canh cánh một nỗi niềm khi nhìn về các di sản thế giới của Việt Nam. Bởi sau những lễ đón nhận danh hiệu hoan hỉ và hoành tráng, những nơi sở hữu di sản lập tức bước ngay vào cuộc đua phát triển du lịch. Nhưng buồn một nỗi là nhận thức có sự “lệch chuẩn” giữa khai thác và bảo tồn di sản, sự chú tâm làm giàu từ di sản nhiều hơn là sự quan tâm đầu tư bảo tồn di sản. Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Thánh địa Mỹ Sơn, Cao nguyên đá Đồng Văn… là thế, những lời quảng bá di sản nhằm hút khách đến địa phương nhiều hơn là những dự án, kế hoạch bảo tồn, gìn giữ di sản.
Chẳng nói đâu xa, tính đến 5/7/2013 là chẵn 10 năm Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới; và 3/7/2015 tiếp tục được UNESCO công nhận lần 2 danh hiệu này. Quảng Bình đã “thắng lớn” khi mở rộng du lịch hang động, sinh thái, mạo hiểm với hàng triệu lượt khách đến đây. Chỉ tính riêng năm 2012, doanh thu từ phí và lệ phí tham quan Phong Nha đã đạt 115 tỷ đồng. Vậy nhưng suốt 10 năm kể từ ngày được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chỉ đầu tư vào đây 46 tỷ đồng. 10 năm vinh hoa, nhưng du lịch ở đây vẫn đơn thuần là tham quan hang động, không có thêm gì mới mẻ, chưa tính đến những tác động từ du lịch ảnh hưởng đến di sản. Hay nặng nề hơn là việc khai thác du lịch “quá đà” ở các hang động trên vịnh Hạ Long – 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới.   Hoạt động ăn uống, biểu diễn nghệ thuật trong hang động tại vịnh Hạ Long đã khiến nhiều hang động tự nhiên bị cơ giới hóa bằng những sàn gỗ rộng cả trăm mét vuông; thạch nhũ trong một số hang, cụ thể là hang Trống bị ám một màu đen xỉn… Lùm xùm trong dư luận một thời gian, cuối cùng tỉnh Quảng Ninh cũng phải yêu cầu các tổ chức, DN chấm dứt việc tổ chức ăn uống trong hang động để bảo tồn nguyên trạng các giá trị của vịnh Hạ Long, hạn chế tối đa những hoạt động có khả năng ảnh hưởng, tác động không tốt tới cảnh quan, môi trường nơi này. Ấy có phải là những lời cảnh báo cho sự “lệch” trong khai thác và bảo tồn di sản thế giới?
Các địa phương vẫn đang nô nức kéo nhau vào cuộc chạy đua lập hồ sơ di sản chờ ngày đón nhận danh hiệu hào hoa. Và nỗi lo “lệch” giữa một bên là khai thác du lịch làm kinh tế và một bên là bảo tồn phát huy giá trị di sản vẫn cứ mênh mang. Đây chính là một dấu hỏi lớn, một bài toán đặt ra cho các địa phương đang và sẽ nắm giữ di sản thế giới.