Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lên án, xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm “bẩn”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP). Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu Hà Nội, có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu dự.
Nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý ATTP và ban hành Nghị quyết 43 năm 2017, tình hình tới nay đã có chuyển biến tốt hơn rất nhiều thể hiện rõ nét qua các số liệu minh chứng cụ thể. “Không ít DN, hộ cá nhân, các gia đình đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật tham gia các phong trào vận động đảm bảo vệ sinh ATTP. Đó chính là những tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng ích nước, lợi nhà, vì mình, vì người cần được biểu dương nhân rộng”-Phó Thủ tướng nói.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng DN, cá nhân để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh ATTP như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh ATTP, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm ATVSTP.
“Việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức... cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm. Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tăng cường hậu kiểm quản lý theo chuỗi phù hợp với xu thế và thực hành về quản lý thực phẩm ở các nước phát triển trên thế giới”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm ATTP so với trước khi có Chỉ thị 13. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm ATTP đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Chính phủ đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%). Giai đoạn 2016 đến nay đã giảm xuống còn khoảng 70%, song song với đó là tỷ lệ nông sản thực phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm đã tăng từ 10% lên 30%.
Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số  đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).
Bộ Y tế cho biết, thách thức lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo ATTP vẫn hết sức khó khăn. Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.
Vận động Nhân dân tiết kiệm thức ăn
Minh họa thêm cho những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2019, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động về ATTP và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về ATTP chặt chẽ, hiệu quả, duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về Hà Nội. Năm 2019, TP Hà Nội thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, các đợt cao điểm về ATTP, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu năm 2019, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
 Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tại điểm cầu Hà Nội
“Thời gian qua, Hà Nội chia các tuyến, cách làm, phân công, phân nhiệm hết sức cụ thể. Trong chỉ đạo cách làm, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường một tuần ra đường ít nhất một lần đến các chợ, các cơ sở kiểm soát thực phẩm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch 30 quận, huyện, thị xã 2 tuần đến các cơ sở một lần và đồng thời phải giao ban thường xuyên. Nhờ đó, Hà Nội mới có cách quản lý, thanh tra chuyên ngành ATTP đang rất hiệu quả và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nói.
Nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị, 3 Bộ Y tế, Công Thương và Nông nghiệp phối hợp, thống nhất việc cấp giấy đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Thống nhất việc cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP giữa 3 ngành Y tế, Công Thương và Nông nghiệp. Đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ ngành rà soát, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm. “Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần quản lý thức ăn một cách tiết kiệm, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nước ta cần học tập các nước bạn, cần vận động Nhân dân tiết kiệm, phát động từ mỗi gia đình cho đến xã hội, nhà hàng, khách sạn…”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP kiến nghị.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu tham luận tại hội nghị.
Theo báo cáo của kết quả công tác ATTP TP Hà Nội năm 2019, toàn TP thanh, kiểm tra 131.071 lượt cơ sở, phạt tiền 7.318 cơ sở với số tiền là hơn 27 tỷ đồng. Đặc biệt, Công an TP đã phát hiện 3.017 vụ về ATTP, xử lý vi phạm hành chính 3.017 vụ, thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng, khởi tố 3 vụ với 05 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội xây dựng và triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các Đội quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát trên thị trường, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm 1.151 vụ với số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm tịch thu, tiêu hủy là hơn 5 tỷ đồng.