Ngày 23/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố rằng Moscow bác bỏ cáo buộc mà chính quyền Washington đưa ra nhằm vào Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học của chính phủ Nga, cho rằng các biện pháp trừng phạt là không hợp pháp.
"Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc mà Mỹ đưa ra chống lại Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học của Nga. Bất kỳ biện pháp hạn chế nào được Washington áp đặt với cơ quan của Moscow đều không hợp pháp", thông cáo của Đại sứ quán Nga tại Mỹ trích tuyên bố của Đại sứ Antonov.
Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng các hành động phá hoại trong trong không gian mạng hoàn toàn trái với các nguyên tắc của chính sách đối ngoại của Nga. Đại sứ Antonov lưu ý thêm rằng Nga kêu gọi Mỹ chấm dứt những cáo buộc vô căn cứ đối với Moscow.
Trước đó cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt đối với Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học của chính phủ Nga bị cho liên quan tới mã độc khiến nhà máy lọc dầu Ả Rập Saudi tê liệt năm 2017.
Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học của chính phủ Nga "liên quan đến" mã độc Triton và chịu trách nhiệm "xây dựng các công cụ tùy chỉnh" kích hoạt cuộc tấn công năm 2017, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 23/10. Tuy nhiên, Mỹ không cáo buộc viện nghiên cứu này tạo ra Triton hay phát động cuộc tấn công năm 2017.
Lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ cấm công dân hoặc các tổ chức đặt trụ sở tại nước này kinh doanh với thực thể bị chỉ định. Mỹ còn đóng băng bất cứ tài sản nào của thực thể bị áp lệnh trừng phạt trong quyền tài phán của mình.
Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt hai năm sau khi hãng an ninh mạng FireEye cho biết mã độc Triton liên quan đến Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương về Hóa học và Cơ học cùng một cá nhân quan hệ mật thiết với viện. Viện nghiên cứu này có hai bộ phận giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, an toàn doanh nghiệp, phát triển vũ khí và thiết bị quân sự.