Liberia áp dụng một loạt biện pháp mạnh ngăn chặn virus Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội ngũ phụ trách ngăn chặn vius Ebola của Liberia do Tổng thống nước này Ellen...

Kinhtedothi - Đội ngũ phụ trách ngăn chặn vius Ebola của Liberia do Tổng thống nước này Ellen Johnson Sirleaf đứng đầu ngày 27/7 đã tuyên bố áp dụng một loạt biện pháp nghiêm ngặt nhất, bao gồm cả việc tạm đóng cửa biên giới ngoại trừ các sân bay và điểm xuất nhập cảnh chính, nhằm đối phó với dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan mạnh ở khu vực Tây Phi này.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Liberia Sirleaf nhấn mạnh Cơ quan hàng không quốc gia Liberia sẽ áp dụng một chính sách mới, kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt của tất cả hành khách nhập và xuất cảnh.

 
Các bác sỹ tình nguyện làm việc tại khu vực cách ly ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các bác sỹ tình nguyện làm việc tại khu vực cách ly ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng, tụ họp... bị hạn chế. Chính phủ Liberia cũng yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí và câu lạc bộ chiếu phim phải thường xuyên chiếu các đoạn phim ngắn 5 phút về tình hình dịch và các biện pháp ngăn ngừa. Tất cả nhà vệ sinh trong các toà nhà chính phủ, các địa điểm công cộng phải bố trí khu vực rửa tay.

Động thái trên diễn ra không lâu sau khi ngày 25/7, Nigeria xác nhận virus Ebola là nguyên nhân dẫn đến tử vong của một công dân Liberia, tới Nigeria từ Monrovia bằng đường hàng không. Ngay lập tức, hãng hàng không lớn nhất Nigeria, Arik Air thông báo hoãn tất cả các chuyến bay đến thủ đô Monrovia của Liberia và thủ đô Freetown của Sierra Leone.

WHO cho biết kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 vừa qua tại Tây Phi, virus Ebola đã khiến gần 700 người tử vong, trong khi hơn 1.000 người nhiễm bệnh, tập trung ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Khoảng 100 nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh với phân nửa đã tử vong.

Riêng tại Liberia, số ca tử vong vì Ebola đã lên tới 127 người. Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế. Đáng lo ngại, số ca nhiễm mới đang tăng nhanh ở Liberia và Sierra Leone.

Khuẩn Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắcxin phòng ngừa.

Bệnh nhân nhiễm Ebola do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Người nhiễm khuẩn Ebola có thể truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua đường tình dục.