Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lịch sử là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ngày 30/11.

Theo Chủ tịch nước, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết lên những trang sử hào hùng. Nhưng, trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, chúng ta từng nếm trải bao nỗi cay đắng, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta biết được hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai.

“Nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng mồ hội và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại”- Chủ tịch nước nhấn mạnh. 
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch nước khẳng định, sứ mệnh của khoa học lịch sử vô cùng vẻ vang nhưng hết sức nặng nề. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch nước luôn  đánh giá rất cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học. Nhất là, trong sự nghiệp đổi mới, giới sử học cũng đã có những đóng góp đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi Biển Đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Biểu dương những cố gắng và đóng góp của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị Hội cần tập trung vào một số công việc. Thứ nhất, động viên đến mức cao nhất  lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư. Đây sẽ là một dấu mốc lớn trong lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam và là một cống hiến vô giá của các nhà sử học với đất nước.

Thứ hai, động viên, các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trước hết là vai trò, chức năng của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông. 

Thứ ba, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể và những bước đi cụ thể để giới sử học Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, học tập những phương pháp và kỹ năng tiên tiến. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Thứ tư, thông qua hệ thống tổ chức của mình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động giúp các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng nghiên cứu và giáo dục các vấn đề lịch sử của địa phương. 

Thứ năm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc. 

Phát biểu tại Đại hội, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ VI (2010-2015) Hội đã tiếp tục phát triển về tổ chức và đạt nhiều thành tựu hoạt động đáng tự hào trên tất cả các phương diện. Nhiều kết quả nghiên cứu và hội thảo đã nâng cao hiểu biết về lịch sử, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và tạo nên một số nhận thức mới về lịch sử dân tộc. 

Hội đã tư vấn và phản biện, trong đó có một trọng tâm là vấn đề dạy và học lịch sử trong trường phổ thông. Gần đây nhất, Hội đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến rất thẳng thắn nhằm xác định đúng vị trí và yêu cầu giáo dục của môn lịch sử trong nhà trường phổ thông. Môn lịch sử, nhất là Quốc sử phải cùng vị thế với môn Quốc ngữ-Quốc văn và môn Toán học, phải là những môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và phổ thông. 

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu GS Phan Huy Lê làm Chủ tịch Hội  Khoa học lịch sử Việt Nam và 7 phó chủ tịch nhiệm kỳ 2015-2020.