Sáng 25/7, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố tập đầu tiên trong bộ sách “Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam” tại Hà Nội. Công trình do nhóm tác giả Lại Nguyên Ân, Trần Thiện Khanh và Đoàn Ánh Dương biên soạn.
Tập sách đã tái dựng gần hai thập kỷ của đời sống văn học Việt Nam (1957-1975). Theo đó, nhóm biên soạn đã giới thiệu tác phẩm của các tác giả được xuất bản hoặc được công bố trên các báo, tạp chí chuyên về văn học-nghệ thuật theo từng năm. Đây được coi là nội dung trọng tâm của công trình.
Lý giải về điều này, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, hoạt động văn học quan trọng nhất là sáng tác và công bố tác phẩm. Điều này góp phần quan trọng để độc giả hình dung về gương mặt thật của đời sống văn học.
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong buổi giới thiệu sách sáng 25/7 (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Bên cạnh đó, tập đầu tiên của bộ “Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam” cũng ghi lại những sự kiện, hiện tượng văn học diễn ra theo từng năm để người đọc tra cứu.
Tại buổi ra mắt sách sáng 25/7, nhà phê bình Lại Nguyên Ân chia sẻ, mặc dù bộ sách có tên là “Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam” nhưng nhóm biên soạn không chỉ ghi, tập hợp lại những sự kiện liên quan đến lịch sử Hội Nhà văn Việt Nam mà còn có “tham vọng” triển khai một cách viết văn học sử giúp người đọc thấy được nhiều mặt của đời sống, tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.
Trong “Lời bộc bạch” ở phần đầu cuốn biên niên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ: “Cái mà tôi có thể ghi vào sổ chắc hẳn cũng là điều sẽ được nhiều người quan tâm. Đó là nhịp sống văn học diễn ra hằng ngày, đan dệt bởi những tác phẩm được công bố trên các mặt báo, tạp chí, trong các xuất bản phẩm được phát hành. Lịch sử văn học được tạo bởi những tác phẩm được sáng tác ra, được công bố để công chúng tiếp nhận, được công chúng định giá, được các tác giả đến sau tiếp nhận và tiếp nối…”