Liên hoan Xiếc quốc tế 2022: Chìa khóa chinh phục khán giả

Minh An, Phương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Trong Liên hoan Xiếc quốc tế 2022, xiếc Việt đã đi đúng hướng khi đề cao sự dũng cảm và chinh phục khán giả bởi tính mạo hiểm của các nghệ sĩ biểu diễn. Đồng thời, việc lồng ghép thêm yếu tố giải trí và hỗ trợ của công nghệ cũng đã góp phần nâng tầm cho các tiết mục.

Rút ngắn khoảng cách với công chúng

Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 thu hút sự tham gia của 9 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 4 đơn vị nghệ thuật trong nước: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam và 5 đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia và Ai Cập.

Các nghệ sĩ Xiếc biểu diễn ở phố đi bộ Hồ Gươm phục vụ công chúng.
Các nghệ sĩ Xiếc biểu diễn ở phố đi bộ Hồ Gươm phục vụ công chúng.

Trong thời gian diễn ra Liên hoan, các nghệ sĩ trong và quốc tế đã tham gia nhiều hoạt động, nổi bật là lễ diễu hành và biểu diễn phục vụ công chúng tại phố đi bộ Hồ Gươm. Hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ đến từ 9 đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp tham gia Liên hoan xiếc quốc tế 2022 đã biểu diễn một số tiết mục đặc sắc để phục vụ trực tiếp người dân ngay trên đường phố như: Con lắc, Thang lắc, Nhóm hề, Tung bóng, Tượng 3 nam… cùng sự xuất hiện của rất nhiều động vật như chó, mèo đã mang đến những màn diễu hành, biểu diễn sôi động tại phố đi bộ. Các nghệ sĩ xiếc các nước sánh vai nhau, phô diễn tài năng với công chúng.

Các tiết mục biểu diễn thu hút công chúng. 
Các tiết mục biểu diễn thu hút công chúng. 

Trong khoảng cách rất gần ấy, họ thỏa sức thăng hoa, giao lưu cùng khán giả. Cả khán giả Thủ đô và du khách quốc tế đều hào hứng trước các màn biểu diễn trên tuyến phố đi bộ. Hàng trăm người vây quanh mỗi khi đoàn xiếc dừng lại biểu diễn. Người già, trẻ nhỏ ai nấy đều tỏ ra thích thú trước mỗi màn trình diễn, nhiều khán giả đã đi theo đoàn diễu hành để cổ vũ và chụp ảnh cùng các nghệ sĩ.

Vui thích nhất là các nghệ sĩ quốc tế, họ đều bất ngờ trước hình thức diễu hành và biểu diễn trực tiếp trên đường phố của Việt Nam. Qua việc diễu hành và biểu diễn này khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ gần gũi và thân thiện hơn rất nhiều, đặc biệt là sự hào hứng, say mê và cổ vũ nhiệt tình của khán giả Thủ đô đã giúp cho các nghệ sĩ phấn chấn, tự tin bước vào cuộc so tài.

Sự lớn mạnh của xiếc Việt

Cùng với các hoạt động diễu hành phục vụ công chúng, trong các ngày diễn ra liên hoan, các đơn vị nghệ thuật đã cống hiến cho khán giả nhiều tiết mục đặc sắc. Vào dịp cuối tuần, rạp xiếc 1.200 chỗ ngồi hầu như chật kín và sôi động với những tràng pháo tay không dứt. Khán giả mãn nhãn trước màn trình diễn đến từ các tiết mục của cả quốc tế và Việt Nam.

Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Ấn Độ.
Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Ấn Độ.

Ở tiết mục “Dây căng cao”, khán giả thót tim khi 8 nghệ sĩ phối hợp nhịp nhàng thực hiện các động tác chồng người tầng 2, tầng trên dây, leo thang. Ở tiết mục “Đu nón”, các nữ nghệ sĩ cũng đã mang tới điều phi thường khi thực hiện kỹ thuật cắn răng trụ trên đu, dùng tóc làm trụ để câu treo nhau, thậm chí một nữ nghệ sĩ mảnh mai có thể dùng tay treo 3 người nữ lơ lửng ở dưới.

Với tiết mục “Đu quăng”, đạo diễn đã “bắt trend” thành công khi lồng ghép hình tượng nhân vật trong tác phẩm điện ảnh “Avatar” vào các nhân vật xiếc. Sự phối hợp giữa đu và nhào lộn với những động tác cực kỳ chuẩn xác ở tầm cao từ 3-5m không có dây bảo hiểm đã tạo nên những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở cho người xem.

Tiết mục ''Đu nón" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Tiết mục ''Đu nón" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Theo NSND Tống Toàn Thắng – Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Xiếc Việt đã đi đúng hướng khi đề cao sự dũng cảm và điều này đã thực sự chinh phục khán giả bởi quá an toàn sẽ đánh mất đi tính mạo hiểm, phi thường của xiếc. Tuy nhiên, để đạt tới sự mạo hiểm ấy thì người nghệ sĩ phải có trình độ đẳng cấp nhất định, chính là kết tinh của sự khổ luyện không ngừng nghỉ để tạo nên những kỹ thuật chính xác tuyệt đối. Thêm vào đó, sự lồng ghép thêm yếu tố giải trí và hỗ trợ của công nghệ cũng đã góp phần nâng tầm cho các tiết mục, vượt xa cách làm truyền thống diễn trò nhỏ lẻ trước đây.

Tiết mục ''Dây lụa'' của Canada. 
Tiết mục ''Dây lụa'' của Canada. 

Tại Liên hoan xiếc quốc tế, các nghệ sĩ Ai Cập, Belarus, Lào, Campuchia đã vào cuộc rất nhiệt tình và những tiết mục của họ được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Trưởng đoàn xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự chu đáo của nước chủ nhà cũng như sự yêu mến của khán giả Việt Nam dành cho nghệ sĩ Ai Cập. Các bạn rất “fair-play”. Qua các tiết mục dự thi, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ cách tổ chức dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của các đồng nghiệp”.

Thông qua Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 có thể thấy các tiết mục đã được thể hiện điêu luyện và đầy sáng tạo, mang đậm bản sắc văn hóa riêng; tạo cho chúng ta sự đồng cảm và hiểu biết thêm về đời sống tinh thần, phong tục tập quán của mỗi quốc gia tham dự.

 

Liên hoan Xiếc quốc tế tại Việt Nam được tổ chức 3 năm một lần là cơ hội tốt để diễn viên ngành Xiếc có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm về phương pháp sáng tạo nhằm xây dựng nghệ thuật xiếc phát triển. Liên hoan thực sự đã trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần tăng cường tình đoàn kết và hợp tác hữu nghị.

NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn