Liên Hợp Quốc đang huy động 40 triệu USD hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nội dung được đề cập trong thông cáo báo chí do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phát đi cuối ngày 4/11 liên quan đến kế hoạch của Liên Hợp Quốc và một số đối tác trong việc hỗ trợ các tỉnh miền Trung Việt Nam khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa.
Với sự tham vấn chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc cùng Giám đốc Quốc gia của Tổ chức cứu trợ trẻ em, thay mặt nhóm quản lý thiên tai (Disaster Management Group), UNDP đã đưa ra kế hoạch ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là tìm kiếm, huy động 40 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam thời gian qua. Kế hoạch này được thiết kế cho khoảng thời gian sáu tháng nhằm giải quyết cả nhu cầu nhân đạo tức thời, đồng thời thực hiện một số hoạt động phục hồi sớm.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cho biết: “Liên Hợp Quốc, các đối tác cứu trợ nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung. Họ cần được hỗ trợ để được cứu sống ngay lập tức, cũng như những hỗ trợ phục hồi để giúp họ xây dựng lại cuộc sống và sinh kế”.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ và cứu trợ khẩn cấp của quốc tế. Một đánh giá chung của các cơ quan Chính phủ-Liên Hợp Quốc-NGO (các tổ chức phi Chính phủ) đã được thực hiện tại 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các phát hiện chính của đánh giá chung đã xác định sự cần thiết phải cung cấp các hỗ trợ đa ngành cho 177.000 người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Theo UNDP, hỗ trợ nhân đạo cũng là nhu cầu cấp thiết tại các địa điểm sơ tán – những nơi hiện đang rất thiếu các nguồn cung cấp để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Các hoạt động bảo vệ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái là điều cần thiết cho những người sống ở các địa điểm sơ tán này...