KTĐT - Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/10 lên tiếng yêu cầu Iraq bãi bỏ án tử hình ông Tareq Aziz. Theo đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, đối với EU, phán quyết của Tòa án Hình sự Iraq tử hình ông Tareq Aziz là không thể chấp nhận được.
Liên hợp quốc ngày 27/10 hối thúc Iraq hủy bỏ án tử hình ông Tareq Aziz, cựu Phó Thủ tướng chính quyền Saddam Hussein.
Phát biểu với báo giới, ông Martin Nesirky, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tuyên bố: "Quan điểm của Liên hợp quốc rất rõ ràng, đó là phản đối án tử hình đối với ông Aziz, cũng như đối với các trường hợp khác."
Ngày 26/10, Tòa án Hình sự Tối cao Iraq đã tuyên án tử hình ông Tareq Aziz, 74 tuổi, cùng hai cựu quan chức khác của chế độ cũ là cựu Bộ trưởng Nội vụ Saadoun Saker và ông Abid Hmoud, từng là phụ tá của cố Tổng thống Saddam Hussein.
Năm 2009, ông Aziz đã bị kết án 15 năm tù liên quan vụ hành quyết 42 thương gia ở Baghdad bị buộc tội đầu cơ trục lợi hồi năm 1992, và một án khác bảy năm tù với tội danh trục xuất người Cuốc ra khỏi miền Bắc Iraq.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/10 cũng lên tiếng yêu cầu Iraq bãi bỏ án tử hình ông Tareq Aziz. Theo đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, đối với EU, phán quyết của Tòa án Hình sự Iraq tử hình ông Tareq Aziz là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan ngoại giao của một số nước châu Âu cũng bày tỏ bất bình. Ngoại trưởng Italy Franco Frattini tuyên bố hoàn toàn ủng hộ lập trường của bà Ashton.
Trong số các quan chức chính quyền Saddam, ông Aziz là người duy nhất theo đạo Cơ đốc. Trong thời gian dài, ông là người đại diện cho Iraq trên trường quốc tế.
Cùng ngày, Nga cũng kêu gọi Iraq hủy bỏ bản án tử hình đối với ông Aziz vì các lý do nhân đạo. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Từ quan điểm nhân đạo cơ bản, rõ ràng tình cảnh của ông Aziz cần sự khoan dung."
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Mikhail Margelov, nhấn mạnh "không gì có thể biện minh cho bản án này."
Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga, ông Gennady Zyuganov kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như các nghị sĩ ở châu Âu và Mỹ ngăn chặn bản án này.
Tại Rome, luật sư Giovanni Di Stefano bào chữa cho ông Aziz cho biết nhiều khả năng ông Aziz sẽ không kháng cáo vì cho rằng việc kháng cáo sẽ hợp thức hóa phán quyết của tòa án Iraq.
Theo ông Stefano, phán quyết được đưa ra trong bối cảnh Iraq chưa có chính phủ mới. Luật pháp Iraq quy định án tử hình cần có sự phê chuẩn của hội đồng tổng thống.
Luật sư Stefano cũng cho biết ông đã kháng cáo lên Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền.