Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh đầu năm nay, ngành du lịch ở nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục suy giảm nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong thông điệp nhân Ngày du lịch thế giới của Liên hợp quốc, ngày 27/9, Tổng Thư ký Guterres cho rằng ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Trong năm tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế giảm đến 95% ở nhiều nơi trên thế giới trong khi các dự báo cho thấy ngành du lịch đình trệ dẫn tới tổn thất hơn 4.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu, tính đến cuối năm 2021.
Ông Guterres cho rằng với các nền kinh tế phát triển đây là một cú sốc lớn nhưng đối với các nước đang phát triển thì đây là một tình trạng khẩn cấp. Ngành du lịch liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế và xã hội, cho phép người dân hưởng lợi từ sự phát triển trực tiếp tại địa phương, mang lại sự thịnh vượng và phát triển bền vững, bao trùm.
Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nhấn mạnh khi hàng triệu sinh kế đang gặp nguy hiểm, các nước cần cân nhắc, chuyển đổi và khởi động lại ngành du lịch một cách an toàn.
Bên cạnh đó, ông Guterres chỉ ra rằng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa danh du lịch chính, đặc biệt là các đảo quốc nhỏ đang phát triển, nơi du lịch chiếm gần 30% hoạt động kinh tế.
Ông Guterres cho rằng với các biện pháp bảo vệ phù hợp, ngành du lịch có thể tạo công ăn việc làm, giúp xây dựng các nền kinh tế và xã hội có sức chịu đựng tốt, bền vững, đảm bảo bình đẳng giới và toàn diện, cho tất cả mọi người.
Điều này đồng nghĩa rằng cần phải có những kế hoạch hành động và đầu tư có mục tiêu để chuyển hướng sang du lịch xanh - với các lĩnh vực phát thải cao, bao gồm vận tải hàng không, đường biển và dịch vụ khách sạn, phải tiến tới trung hòa carbon. Điều này cũng đồng nghĩa rằng phải mang lại cho mọi người được lên tiếng về cách thức du lịch định hình tương lai của xã hội và hành tinh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh chỉ bằng cách đưa ra các quyết định toàn diện, thế giới mới có thể đảm bảo tăng trưởng đồng đều, bền vững, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và chuyển đổi ngành du lịch để phát huy hết tiềm năng của ngành này như một động lực thúc đẩy thịnh vượng, một phương tiện để hội nhập, một cách thức để bảo vệ hành tinh và đa dạng sinh học và là cầu nối văn hóa giữa các dân tộc./.