Đó là khẳng định của ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” diễn ra ngày 3/4 tại Hà Nội.
Thực trạng lãng phí nguồn lực
Mặc dù Việt Nam đã xây dựng những chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nhưng thời gian qua, kết quả thực hiện rất hạn chế. Thậm chí, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở Việt Nam, nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 63 nền kinh tế địa phương và một nền kinh tế T.Ư giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau. “Với mô hình 64 "nền kinh tế độc lập" này đang gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn, phát triển xu hướng đua tranh không lành mạnh. Thậm chí là "cạnh tranh cùng chết", "cạnh tranh cùng xuống đáy" giữa các tỉnh, thúc đẩy "chủ nghĩa thành tích ảo" - ông Thiên nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế T.Ư, nguyên nhân của hạn chế này xuất phát từ thực tế: Thiếu thể chế, chính sách liên kết vùng, chưa có tổ chức điều phối vùng đủ mạnh, chưa tạo được sự đồng thuận cao giữa các địa phương trong vùng, cũng như sự liên kết các vùng với nhau... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc thi hành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư còn nổi lên vấn đề: "Mạnh ai nấy chạy", giữa các tỉnh. Dẫn chứng cụ thể nhất là tình trạng các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách "hạ giá” địa phương mình, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn (tranh chấp phát triển cảng biển, không phối hợp kết nối giao thông), "ngăn sông, cấm chợ" (cấm chuyển quặng ra khỏi tỉnh, tiêu thụ "bia tỉnh ta")... Thực trạng này khiến lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong từng vùng, ngay ở trong các tỉnh. Một vấn đề khác là chưa tạo sự đồng bộ thống nhất giữa quy hoạch vùng với quy hoạch các ngành và quy hoạch tổng thể các địa phương dựa trên cơ sở lợi thế so sánh từng vùng. Điều này là một cản trở lớn trong công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng và có những dự báo tốt cho điều hành vĩ mô.
Phát triển không thể thiếu liên kết
“Cần phải đẩy mạnh liên kết vùng dựa trên lợi thế mang tính cạnh tranh của từng địa phương để hình thành chuỗi liên kết theo quy hoạch và kế hoạch phát triển cụ thể” - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vai trò của liên kết vùng trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông, đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Ông cũng khẳng định, liên kết vùng là một phần của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia. Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger chia sẻ, một thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, thách thức này không thể một tỉnh có thể giải quyết được mà các tỉnh phải kết hợp với nhau. Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, thể chế phù hợp, tăng cường điều phối vùng theo chiều dọc và chiều ngang. “Một số cơ quan được giao về điều phối cần cố gắng nhiều hơn nữa, tăng nhiệm vụ của cơ quan vùng, làm rõ hơn nữa mục tiêu, mục đích, đo lường được hiệu quả hoạt động của điều phối vùng” – bà Kwakwa nhấn mạnh.
Với hướng tiếp cận này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, muốn thoát khỏi giới hạn chật hẹp, kém hiệu quả của cơ chế kinh tế tỉnh đã đến lúc phải xây dựng một cơ chế phát triển vùng kinh tế. “Phương án triệt để nhất là cần tích cực chuẩn bị để ra đời càng sớm càng tốt: Cả nước lập ra 8 - 10 vùng hành chính - kinh tế độc lập, mỗi vùng bao gồm một số tỉnh hiện nay đang là độc lập sẽ chuyển thành một thành phần cấu trúc bộ phận của vùng và phụ thuộc” - ông Thiên gợi ý.
Lợi ích chiến lược của kinh tế vùng là rõ ràng: Xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt và cát cứ theo tỉnh hiện nay, quy hoạch phát triển vùng sẽ hiệu quả hơn nhờ tránh được chồng chéo, lãng phí. Đây cũng là những nội dung chính đã được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt tại Quyết định số 1064/2013/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Quang cảnh nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Ảnh: Thanh Miến
|
Vấn đề liên kết vùng kinh tế đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của T.Ư từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến nay. Hiện, cả nước đã có 6 vùng kinh tế - xã hội và 4 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long. |