Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chuỗi để tăng sức cạnh tranh

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển bền vững các hợp tác xã (HTX) kiểu mới, việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất sang liên kết chuỗi giá trị được xem là hướng đi tất yếu.

Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh) tham gia Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019.
89 liên kết chuỗi hiệu quả
HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai là mô hình HTX kiểu mới hoạt động rất hiệu quả. Các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” của HTX hiện đã có mặt tại nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận. Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho biết, sự phát triển đến nay của HTX có được một phần quan trọng là nhờ hỗ trợ tích cực trong phát triển chuỗi giá trị của Liên minh HTX TP.
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.545 HTX đang hoạt động, trong đó, có 1.068 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm tỷ lệ 65%). Trong năm 2019, toàn TP đã thành lập mới 80 HTX. Tuy nhiên, cũng có 5 HTX phải giải thể.
Bên cạnh tư vấn kiện toàn tổ chức, Liên minh HTX TP đã hỗ trợ đơn vị hoàn thành bộ nhận diện thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, đồng thời, bổ sung máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến, đóng gói, dán tem nhãn... Thông qua những tư vấn, hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Liên minh HTX TP, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng đã có nhiều chuyển biến tích cực về hình ảnh, chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao vị thế và giá trị cho các sản phẩm gạo.
Cùng với HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng, trong năm 2019, Liên minh HTX TP cũng đã tư vấn, hướng dẫn nhiều HTX trên địa bàn Hà Nội củng cố tổ chức; bồi dưỡng nghiệp vụ; tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, marketing sản phẩm… Lập dự án vay vốn, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tổ chức cho hàng trăm HTX tham gia những chương trình xúc tiến thương mại giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước…
Với sự hỗ trợ đắc lực của Liên minh HTX TP, đến nay, đã có 89 HTX trên địa bàn Hà Nội tham gia vào chuỗi giá trị. Nhiều HTX bước đầu thành công trong việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu có thể kể tới HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm, HTX Hoàng Long, HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, HTX Nông lâm Bắc Sơn…
Đưa HTX dần thoát khỏi yếu kém
Sự phát triển ngày một lớn mạnh của các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, mà còn tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng nghìn thành viên. Dù vậy, sự phát triển của các HTX trên địa bàn Hà Nội nhìn chung còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, quy mô kinh tế của các HTX vẫn nhỏ. Sức cạnh tranh của nhiều HTX còn hạn chế. Người đứng đầu các HTX còn chưa mạnh dạn trong mở rộng dịch vụ đáp ứng yêu cầu thị trường. Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX có lúc cơ nơi chưa tập trung, hiệu quả…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Nguyễn Trung Thành cho biết, năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể, HTX với tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững. Phấn đấu đưa kinh tế tập thể, HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém, thể hiện được vai trò, nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội…
Để đạt được những mục tiêu trên, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với Liên minh HTX là tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với TP Hà Nội trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thành viên các HTX, cũng như toàn cộng đồng về vai trò của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, Liên minh HTX TP sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương trong xây dựng những mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực, tiến tới nhân rộng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của T.Ư và TP Hà Nội, đặc biệt là nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại.