Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chuỗi giá trị nông sản: Hướng đi cho các hợp tác xã

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP Hà Nội, toàn TP hiện có 43 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản có sự tham gia của các HTX. Đây được xem là hướng đi phù hợp, bền vững cho các HTX trong xu thế cạnh tranh hiện nay.

 Công nhân đóng gói chè tại Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Giá trị gia tăng từ 17 – 25%

Tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, những năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè theo hướng VietGAP. Giám đốc HTX Đào Thị Quý cho biết, đơn vị đang liên kết với các hộ dân thuộc 3 xã: Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã canh tác 250ha chè sạch. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu một phần sản phẩm.
Trong điều kiện thị trường mất cân xứng, “triệu người bán, vạn người mua” như hiện nay, kinh tế hộ cần phát triển theo mô hình kinh tế hợp tác, HTX. Ở đó, vai trò của liên kết là hết sức quan trọng. Và dù phát triển theo hình thức liên kết nào, HTX với người nông dân, hay HTX với DN, thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, khắc phục dần tình trạng “được mùa mất giá”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Nhờ phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa và tiêu chuẩn an toàn, sản lượng chè đạt được trung bình từ 60 – 100kg/sào/lứa. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP và các sở ngành, chè an toàn Bắc Sơn đã được cấp chứng nhận VietGAP và công nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm đã dễ dàng hơn.

Mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP của HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn là một trong 43 chuỗi liên kết nông sản có sự tham gia của các HTX đang phát huy hiệu quả tích cực. Theo đánh giá, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn nói chung đang giúp gia tăng từ 17 – 25% giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho xã viên, thành viên các HTX. Tuy nhiên, theo đánh giá, quy mô liên kết chuỗi giá trị nông sản với sự tham gia của các HTX hiện còn khá rời rạc và hạn chế. Điều này khiến sức sản xuất nông nghiệp của Hà Nội nói chung rất lớn, nhưng chuỗi giá trị chưa sâu, còn lệ thuộc nhiều vào thị trường và vấn đề tiêu thụ còn rất bấp bênh.

Thúc đẩy sản xuất an toàn

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, số lượng DN nông nghiệp đã tăng đáng kể, nhưng con số này không thể với tới hết hàng triệu hộ nông dân. Do đó, cần có sự liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, mở rộng thị trường thông qua các HTX. HTX phải là hạt nhân để liên kết với các DN nhằm tạo nên một chu trình sản xuất khép kín, bền vững.

Để thúc đẩy sự phát triển của các HTX, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP về chính sách thúc đẩy hợp tác liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn. TP cũng đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ các HTX. Đơn cử như: HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 – 2020; Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016 – 2020. Hay gần đây nhất là Kế hoạch số 192/KH-UBND của UBND TP về triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2019 – 2020… Dù vậy, sự phát triển các chuỗi giá trị nông sản với sự tham gia của các HTX vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Trong thời gian tới, Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan để triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển HTX theo chính sách của T.Ư và Hà Nội. Trong đó, chú trọng phối hợp với các địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác giữa các HTX với các DN để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, theo hướng hữu cơ có sự tham gia của các HTX. Đặc biệt, chú trọng sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng và giá trị kinh tế cao.