Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết chuỗi trong nông nghiệp: Sức ép từ hội nhập

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị canh tác. Tuy nhiên, quá trình liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Xu thế tất yếu
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang ngày càng diễn ra sâu rộng, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, truy xuất được nguồn gốc… Để đáp ứng được những yêu cầu này, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu.
Bà Nguyễn Thị Soạn - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương Ngải (Thạch Thất) cho biết: HTX hiện đang canh tác 307ha lúa, 10ha rau. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã thực hiện luân canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
 Chăn nuôi bò sữa tại Phượng Cách, Quốc Oai. Ảnh: Phương Nga
Bên cạnh đó, HTX đã ký hợp đồng cung cấp rau củ quả với các bếp ăn trường mầm non, công ty, siêu thị trên địa bàn. “Trồng rau an toàn mặc dù cần vốn đầu tư và yêu cầu kỹ thuật cao hơn, song thu nhập đạt khá, bình quân từ 80 – 90 triệu đồng/ha/vụ” – bà Soạn cho hay.
Quốc Oai cũng là địa phương phát triển khá mạnh các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2018, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu thành công sang Mỹ. “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm là điều tất yếu cần phải thực hiện nếu các HTX muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường” – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai Nguyễn Tuấn Hưng khẳng định.
Còn nhiều rào cản
Thực tế, việc liên kết sản xuất không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm nông sản đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất do hầu hết các khâu được cơ giới hóa.

Hiện nay Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các địa phương đã vận động nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể theo liên kết chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ.
Tuy nhiên, các chuỗi liên kết chưa bền vững, còn nhiều rào cản. Nguyên nhân một phần do biện pháp chế tài không đủ mạnh, một số chính sách chậm cụ thể hóa nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, khả năng huy động vốn, tiếp cận nguồn vốn, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của DN, hợp tác xã tham gia phát triển chuỗi còn khó khăn dẫn đến việc mở rộng các chuỗi giá trị còn chậm.
Thực tế liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa DN, nông dân, HTX còn lỏng lẻo, chưa đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của các bên. Đa số nông dân vẫn còn thói quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường. Đồng thời một bộ phận nông dân còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết.
Theo ông Lê Trọng Khuê, để phát triển chuỗi liên kết bền vững, giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân và DN thấy được lợi ích mang lại, từ đó có trách nhiệm thực hiện. Riêng phía DN, cần có kế hoạch cụ thể về nhu cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm đúng đơn đặt hàng, tạo uy tín cao đối với nông dân.