Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học: Băn khoăn chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học ở Hà Nội liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) với hàng loạt chương trình khác nhau như Language link, Victoria, Dynet...

 Dù trên tinh thần tự nguyện, song băn khoăn đang hiện hữu trong phụ huynh HS là câu hỏi: Chất lượng dạy và học thế nào?

Đa dạng liên kết

Từ năm học 2010 - 2011, 8 trường tiểu học ở Hà Nội đã thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm của Bộ GD&ĐT. Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, từ năm học 2011 - 2012, Hà Nội triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% HS lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016. Mục tiêu đến năm học 2018 - 2019, tất cả HS lớp 3 của Hà Nội được học ngoại ngữ chương trình mới (chương trình bắt buộc với thời lượng 4 tiết/tuần).

 
Một buổi học tại trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh:  Phạm Hùng
Một buổi học tại trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh, hầu hết các trường tiểu học hiện nay của Hà Nội đều đang tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần cho HS từ lớp 3 trở lên bằng hình thức liên kết, phụ huynh đóng tiền. Đơn vị được các trường liên kết rất đa dạng, số tiền mà phụ huynh phải đóng cũng rất khác nhau. Điển hình, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) học giáo trình Dynet, học phí 120.000 đồng/HS/tháng; trường Tiểu học Hoàng Liệt (huyện Thanh Trì) học giáo trình Family&Friends với mức thu khoảng 100.000 đồng/HS/tháng; trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) liên kết với Trung tâm Language Link thu 6 triệu đồng/năm học... Chị Nguyễn Thị Nga, nhà ở quận Thanh Xuân có con đang học lớp 3 cho biết, ngoài học chương trình bắt buộc, con chị cũng học tăng cường thêm tiếng Anh 2 buổi/tuần. “Tôi “mù” tiếng Anh nên không biết cháu học chương trình nào, nhưng mỗi tháng đóng 120.000 đồng. Ngoài ra, không biết chất lượng dạy học đến đâu? Tôi nghĩ không hiệu quả, bởi các con đã học cả ngày ở trường, cuối buổi lại học tăng cường sẽ rất mệt. Thêm vào đó, không phải nhà nào cũng cho con học, vì vậy khi các con học sẽ rất ồn, không mang lại hiệu quả. Tôi nghĩ với chương trình chính khóa, các con được làm quen và học như thế là đủ” - chị Nga chia sẻ.

Cũng có những trường liên kết cùng lúc với 2 trung tâm ngoại ngữ – một có học phí “bình dân”, một học phí “cao cấp” – để phụ huynh và HS lựa chọn. Một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Long Biên cho biết, đầu năm trường thông báo phụ huynh có thể đăng ký cho con học một trong 2 chương trình tiếng Anh, một chương trình của Dynet và một của Language Link. Học phí chương trình Dynet khoảng gần 200.000 đồng/tháng, còn Language Link tính theo năm học - khoảng gần 6 triệu đồng/năm...

Học phí theo chương trình

Giải thích về vấn đề chênh lệch học phí, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, giải pháp liên kết với một số đơn vị đào tạo tiếng Anh trong các trường tiểu học đã nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh một cách đáng kể. Theo báo cáo của các trường và các đơn vị liên kết thì tỷ lệ HS khá, giỏi trên 70%, HS chưa đạt yêu cầu rất thấp, chỉ 0,5 - 1%. Vấn đề có sự chênh lệch học phí cao, thấp là do tùy thuộc vào chương trình, có chương trình học với phần mềm (Dynet), có chương trình học trực tiếp với người nước ngoài (Language Link) và cũng có chương trình có cả người Việt và người nước ngoài giảng dạy, trong đó, các tiết học có người nước ngoài đều có trợ giảng. Một yếu tố nữa tác động đến mức học phí chênh lệch chính là số lượng HS, ví dụ như Language Link ký hợp đồng với nhà trường không quá 25 HS/lớp. Trong trường hợp lớp có 35 - 40 HS, sẽ có 2 giáo viên đến dạy và chia lớp đó thành 2 lớp nhỏ học song song…

Ngoài chuyện thu phí chênh lệch thì việc dạy tiếng Anh liên kết dưới danh nghĩa tự nguyện, nhưng lại tổ chức vào các tiết học chính khóa cũng là vấn đề khiến phụ huynh thắc mắc. Song lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, đấy là cách để tiếng Anh vào được các nhà trường cho nhiều HS tham gia. Bởi nếu tổ chức học ngoài giờ, các em không “tải” nổi, học vào thứ Bảy, Chủ nhật thì không được phép. “Với chương trình học 2 buổi/ngày, thêm 2 tiết tiếng Anh, chương trình của lớp 1, 2 vẫn gói gọn trong 35 tiết, lớp 3, 4, 5 sẽ lên 36 hoặc 37 tiết. Với các trường có chương trình tiếng Anh liên kết thì thời khóa biểu không xếp một ngày quá 7 tiết học văn hóa, tránh áp lực cho HS theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các tiết tự nguyện thường được sắp xếp đan xen vào chương trình chính khóa để đảm bảo đủ giáo viên, phù hợp với tâm lý HS tiểu học và tuân thủ hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Không có chuyện các tiết tự nguyện chen vào giờ học khác hoặc giờ ra chơi của các HS” - ông Tiến khẳng định.