Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết để “cứu” ngành du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phục hồi du lịch hậu Covid-19, thời gian tới, ngành du lịch và các địa phương cần tăng cường xây dựng mối liên kết, cơ cấu lại thị trường du khách.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị Toàn quốc Du lịch 2020 do Bộ VHTT&DL vừa tổ chức tại ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam)
Thiệt hại 23 tỷ USD vì Covid-19

Báo cáo của Bộ VHTT&DL cho thấy, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 đã khiến toàn ngành du lịch thế giới và Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Đến nay, khoảng 95% DN du lịch quốc tế đã ngừng hoạt động; công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 10 - 15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa. Dự báo hết năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, nội địa ước giảm 50% so với năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, dịch Covid-19 khiến ngành du lịch thất thu, song đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu thị trường du lịch. Nguyên nhân là do du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) chiếm tỷ trọng gần 67% tổng lượng khách đến Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường có mức chi tiêu cao chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn như khách châu Âu chiếm 12%, châu Mỹ 5,4%, châu Úc 2,4%. “Vì phụ thuộc vào một số thị trường nên khi gặp sự cố như dịch Covid-19 chúng ta mất trắng nguồn thu dẫn tới du lịch thiệt hại nặng nề” - ông Hùng phân tích.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nêu rõ: Trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng dần, nhưng chủ yếu là khách lưu trú ngắn ngày. “Giai đoạn 2015 - 2019 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trung bình 22,7%/năm, song tổng thu chỉ tăng 20,9%/năm. Chính vì thế, dịch bệnh chính là bộ lọc để chúng ta chuyển đổi, lựa chọn khách quốc tế chất lượng hơn, chi trả cao hơn” - ông Siêu nói.

Chung tay vực dậy ngành du lịch

Bàn về giải pháp khôi phục thị trường du lịch hậu Covid-19, các đại biểu tham dự hội nghị có chung ý kiến: Việc chuyển hướng khai thác thị trường nội địa là giải pháp tối ưu khắc phục khó khăn, nhưng để làm được điều này, đòi hỏi các tỉnh, TP đẩy mạnh hợp tác xây dựng, tổ chức các sự kiện, sản phẩm mới; ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh, quảng bá…

Để khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch, Bộ VHTT&DL đề xuất nhóm giải pháp, đó là phải cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường; Đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương và chuyển đổi số trong phát triển du lịch…
  Doanh nghiệp du lịch - khách sạn gặp gỡ tại hội nghị bàn cách xây dựng mối liên kết để cùng nhau vực dậy ngành du lịch. Ảnh: Lê Nam
Đóng góp ý kiến cho định hướng phát triển liên kết vùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng: Trong chiến lược, định hướng phát triển du lịch, TP Hà Nội luôn xác định công tác liên kết hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, TP có vị trí rất quan trọng. Để sự hợp tác này sâu rộng, thiết thực và hiệu quả hơn, đòi hỏi trong thời gian tới, ngành du lịch các tỉnh, TP cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Đồng thời các địa phương cần phối hợp cùng đầu tư, khai thác các dự án về du lịch…
Từ góc độ DN, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cho rằng, vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết. Nhưng đề làm được điều này đòi hỏi các bộ, ngành cần xây dựng kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành hay liên vùng, qua đó đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan dịch, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển.

Trước những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung cơ cấu lại thị trường, xác định khai thác nguồn khách nội địa là nhiệm vụ trọng tâm.
“Ngành du lịch cần coi đợt dịch này là thời gian nghỉ cần thiết để đánh giá lại toàn ngành, từ đó đưa ra những giải pháp đầu tư hiệu quả và hợp lý” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Bên cạnh đó, ngành du lịch tập trung số hóa toàn bộ các di sản văn hóa, các cổ vật trong bảo tàng, tạo nền tảng cho khách du lịch trải nghiệm trước khi đến tham quan thực tế.

"Nhiệm vụ hàng đầu mà ngành Du lịch cần thực hiện là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường đẩy mạnh quảng bá du lịch trong nước. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương và DN, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn du lịch… " - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý