Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết du lịch Thanh Hóa,TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện xúc tiến, kích cầu du lịch năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thúc đẩy thị trường du lịch 2 khu vực tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng quà lưu niệm cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng quà lưu niệm cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ

Chiều ngày 25/8, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ”.

Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: “Hội nghị Liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ là một ví dụ rõ nét trong số những nỗ lực đưa liên kết, hợp tác của các địa phương đi vào thực chất, góp phần thực hiện có hiệu quả, quan điểm chủ đạo của Nghị quyết số 82/NQ-CP “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi đưa vào khai thác và duy trì đường bay Thanh Hoá – TP Hồ Chí Minh của các hãng hàng không: Vietnam Airline, Vietjet Air, Bamboo Airways, Thanh Hoá luôn xác định TP Hồ Chi Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là thị trưởng du lịch rất tiềm năng và trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, có khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Thanh Hoá.

Thanh Hóa được đánh giá là hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Đây cũng là nơi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, có giá trị quốc gia và quốc tế như Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: di tích Lam Kinh, hang Con Moong, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn…

Cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã… và trên 300 lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn…

Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại hội nghị
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ tại hội nghị

Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có khoảng 1.200 khách sạn, nhà nghỉ với 45.000 phòng, hơn 350 căn hộ, biệt thự du lịch; 192 homestay, trong đó có 215 khách sạn 1-5 sao; có trên 1.000 nhà hàng ăn uống du lịch và 10 trung tâm mua sắm có quy mô lớn. Riêng trong năm 2023, với mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách, ngay từ đầu năm, Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch.

 

Địa phương cần xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ

Để hợp tác, liên kết phát triển du lịch đi vào thực chất, có chiều sâu, Cục trưởng Cục Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, thứ nhất, mỗi địa phương phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ và cụ thể hóa nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Thứ hai, nội dung liên kết, hợp tác chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách. Đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến.

Thứ ba, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP bằng các cơ chế, chính sách và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao.

Thứ tư, các doanh nghiệp và báo chí sát cánh, đồng hành trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành du lịch các địa phương ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng: "Chúng tôi mong muốn hội nghị sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, DN du lịch của tỉnh Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ gặp gỡ, liên kết, hợp tác. Qua đó đem lại sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao, giá thành phù hợp, liên kết xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch".

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, "du lịch biển và các tiềm năng du lịch tỉnh Thanh Hóa sẵn có nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng có, chưa có quy hoạch ở các bờ biển một cách bài bản" - đánh giá của đại diện Tập đoàn Sun group.

Thanh Hóa có sản phẩm du lịch phong phú

Trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu của cả nước về thu hút khách du lịch, với các sản phẩm du lịch phong phú.

Đối với sản phẩm du lịch biển: Năm 2023, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch TP Sầm Sơn); tour du lịch ra Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn... (tại khu du lịch biển thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nộ, dù lượn (tại khu du lịch biển Hải Tiến huyện Hoằng Hóa)... đã tạo nên sự hấp dẫn và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch biển so với các tỉnh lân cận.

Đối với sản phẩm du lịch văn hoá, tâm linh: Nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo điểm đến hấp dẫn về văn hoá, lịch sử; đặc biệt là việc mở cửa Chính diện của quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân); các sự kiện văn hoả, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng tầm sản phẩm du lịch văn hóa, phục hồi phát triển du lịch; đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, hệ thống loa thông minh, thuyết minh tự động, hỗ trợ du khách tìm hiểu tại các khu di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh.

Đối với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng: Ngoài những điểm điểm du lịch cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) nổi tiếng, thời gian gần đây, Thanh Hóa có thêm những sắc màu mới của loại hình du lịch này, như Du lịch cộng đồng (DLCĐ) bản Mạ, bản Vịn (huyện Thường Xuân), DLCĐ bản Bút (xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá), DLCĐ bản Kho Mường, bản Eo Kén, bản Nông Công... (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước), DLCĐ xã Thạch Lập (huyện Ngọc Lặc)...

Đưa vào thị trường các sản phẩm du lịch mới: Khu vui chơi giải trí Anh Phát tại Phường Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn; Làng du lịch Yên Trung (huyện Yên Định) là “Nơi thời gian trở lại” của du khách…Ngoài ra, một số sản phẩm du lịch mới đã được hình thành, phát triển ở Thanh Hoá như: du lịch cắm trại, du lịch tâm linh, du lịch làng cổ, du lịch trang trại nông thôn...

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kỳ vọng vào sự liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kỳ vọng vào sự liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ

Tại hội nghị đánh giá về tiềm năng liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã liên kết du lịch năm vùng với 49 tỉnh, thành trong cả nước. Với vai trò là một trung tâm du lịch cả nước, hoạt động liên kết du lịch đã tạo điều kiện chuyển tiếp dòng khách giữa TP và các địa phương.

“Để hoạt động liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nói chung sôi nổi hơn, ngành du lịch các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục lại các hoạt động du lịch một cách an toàn” - ông Dương Anh Đức nói.

Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hóa trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương
Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hóa trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch của các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch, thêm các chương trình tour, tuyến mới, đặc sắc; cùng phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác quảng bá nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh sống động từng trải nghiệm và thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”. Qua đó, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, thúc đẩy hơn nữa dòng khách đa chiều giữa các địa phương.

Bên lề hội nghị, Ban tổ chức cũng đã tổ chức không gian trưng bày giới thiệu các sản vật, sản phẩm du lịch của địa phương với các đại biểu các tỉnh, thành Đông Nam Bộ.

 

Thanh Hóa sẽ nâng cấp sân bay Thọ Xuân thành sân bay quốc tế để đón khách du lịch nước ngoài

“Du lịch phát triển nhưng thị trường khách truyền thống của du lịch Thanh Hóa hiện đang là các tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Hiện nay, cơ cấu khách của tỉnh đang có sự chênh lệch khá rõ khi 80% đến từ các tỉnh phía Bắc và vùng lân cận, chỉ có 20% khách đến từ các tỉnh miền Nam. Với cơ cấu nguồn khách hiện nay, du lịch tỉnh dù đạt được mục tiêu về số lượng khách đón nhưng chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt trong khai thác đường hàng không. Nhiều đường bay của các hãng hàng không nối Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ được khai trương nhưng khó duy trì vì không đủ nguồn khách.

Vì vậy, trong năm 2023, với mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách, ngay từ đầu năm, Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch. Hiện sân bay Thọ Xuân đón khoảng 25 chuyến bay mỗi ngày từ TP Hồ Chí Minh, tỉnh muốn nâng cấp sân bay này thành sân bay quốc tế trong tương lai gần để đón khách quốc tế từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi