Saturday, 09:55 22/08/2015
Liên kết là cơ hội cho hàng Việt
Kinhtedothi - Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) khiến nhiều người lo ngại hàng hóa từ thị trường này tràn vào thị trường Việt Nam tạo sự cạnh tranh khốc liệt.
Điều đó cho thấy, để hàng Việt đứng vững trước sự "tấn công" này, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi DN sản xuất và phân phối trong nước cần liên kết chặt chẽ.
Sức ép
Tại chợ vải Ninh Hiệp (Gia Lâm), anh Nguyễn Tuấn Tú, một tiểu thương buôn bán quần áo Trung Quốc cho biết: Hiện 80% quần áo may sẵn bán tại chợ Ninh Hiệp là hàng Trung Quốc, việc tỷ giá đồng NDT giảm khiến những hộ kinh doanh hàng Trung Quốc mua được lượng hàng nhiều hơn. Chẳng hạn, trước khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá thì giá trung bình 1 chiếc quần bò giá 67 NDT, nay chỉ còn 65 NDT. "Trung bình một tháng cửa hàng của tôi tiêu thụ khoảng 3.000 chiếc quần bò Trung Quốc, nay giá mỗi chiếc được giảm 2 NDT thì với lô hàng 3.000 chiếc tôi giảm được gần 6.000 NDT, tương đương 20 triệu tiền Việt" - anh Tú phân tích.
Các ngành hàng khác như dệt may, cao su, hàng tiêu dùng cũng trong tình trạng tương tự. Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam Võ Hoàng An cho biết: Hiện nay, sức tiêu thụ các sản phẩm cao su tổng hợp như săm lốp xe, cao su y tế, ống cao su, tấm cao su… khá lớn, trong khi nguồn cung trong nước chưa thể đáp ứng nên việc dùng hàng Trung Quốc nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi.
Còn theo báo cáo của ngành dệt may cho thấy, dệt may của Việt Nam mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc chiếm 48%. Vì vậy, việc phá giá NDT về sẽ khiến lượng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đáng kể, gây sức ép lên sản xuất và tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa.
Sản xuất phải gắn với tiêu thụ
Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng Trung Quốc với hàng Việt sau khi đồng NDT phá giá, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Bên cạnh sự thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm còn đòi hỏi DN sản xuất phải tăng cường liên kết với DN tiêu thụ.
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Trong thời gian qua, để tiêu thụ hàng Việt, nhất là hàng nông sản, Hapro đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị. Theo đó, hệ thống siêu thị Hapro Mart liên kết với các nhà cung cấp trong nước tại nhiều địa phương để thu mua nguồn hàng, góp phần hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nội địa. Vừa qua, Hapro đã có các chương trình liên kết với nhà sản xuất nông sản Việt Nam trong việc tiêu thụ sản phẩm như vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong… Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, giúp phân biệt hàng Việt với hàng Trung Quốc...
Mặc dù các DN sản xuất và tiêu thụ đã có một số hoạt động liên kết tiêu thụ hàng Việt, tuy nhiên thực tế cho thấy việc liên kết giữa DN sản xuất và phân phối vẫn còn lỏng lẻo. Điều đó khiến việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt không được như mong muốn. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Phải qua nhiều khâu trung gian khiến hàng Việt, nhất là hàng nông sản trong nước đang bị đẩy giá lên cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo: Nếu DN sản xuất và bán lẻ không thiết lập mối quan hệ hợp tác thì hàng Việt khó có thể giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc sau khi đồng NDT phá giá.
Điều đó cho thấy để hàng Việt giữ vững được thị phần đồng thời giảm dần sự lệ thuộc vào hàng Trung Quốc, bên cạnh việc ngành công thương quy hoạch lại hệ thống bán lẻ còn đòi hỏi các DN trong quá trình sản xuất phải tìm hiểu nhu cầu, sức mua của người tiêu dùng, qua đó gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần lập hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu kém chất lượng, ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho thị trường cũng như DN trong nước.
![]() Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam.
|