Liên kết phát triển du lịch MICE

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ước tính của các công ty lữ hành, loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm) có giá trị cao gấp 6 lần du lịch thông thường, bởi các đoàn khách MICE thường có số lượng lớn, mức chi tiêu cao.

Tuy nhiên, "mỏ vàng" này của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng do cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn hạn chế.

Chưa xứng với tiềm năng

Du lịch MICE đã được các doanh nghiệp lữ hành Việt khai thác từ năm 2008, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xem là điểm sáng với mức tăng trưởng 20%/năm. Dẫu vậy, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn gặp rào cản về nhân lực và cơ sở vật chất.
Nha Trang đang là điểm du lịch MICE được ưu thích
Nha Trang đang là điểm du lịch MICE được ưu thích

 Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch MICE, ngành du lịch cần có những trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị có sức chứa lớn, đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng, trên cả nước, những địa chỉ có quy mô khoảng 5.000 người mới chỉ đếm trên đầu ngón tay như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Trung tâm Triển lãm Sài Gòn. Hệ thống khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp mặc dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của những sự kiện lớn mang tầm khu vực. Bên cạnh hạn chế về cơ sở vật chất, du lịch MICE của Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ để có thể chủ động và chuyên nghiệp khi tổ chức hội nghị, hội thảo cấp cao.

Ngay cả hoạt động quảng bá cho loại hình này cũng chưa được chú trọng, nên phần lớn các đoàn khách MICE đến Việt Nam là do các công ty du lịch tự tìm nguồn. Nếu so với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều. Thế nhưng, nhờ quảng bá hiệu quả mà du khách quốc tế biết tới các nước này nhiều hơn Việt Nam. Chẳng hạn, nói đến Hàn Quốc, du khách nghĩ ngay đến "xứ sở kim chi" hoặc đảo Jeju. Trong khi đó, món phở của Việt Nam dù luôn có mặt trong danh sách 10 món ăn hấp dẫn nhất châu Á, nhưng chưa trở thành một thương hiệu ẩm thực trên thế giới. Không những thế, kết quả khảo sát của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho thấy, có đến 44% du khách không hài lòng về tài xế taxi, người bán hàng rong, dịch vụ tổ chức tour, đường sắt và mua sắm quà lưu niệm… nên thời gian lưu trú tại Việt Nam thường không kéo dài.

Thành lập hiệp hội  để tạo đà phát triển

Để phát triển du lịch MICE, trước hết, ngành chủ quản cần đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn. Nhưng quan trọng hơn, là phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ được thực hiện từ cơ quan chức năng, địa phương tới doanh nghiệp, từ đó đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với loại hình này.

Ông Nguyễn Khắc Huyền - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch quốc tế Hòa Bình và nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành đều có chung quan điểm: Đã đến lúc, ngành du lịch cần tính đến phương án thành lập Hiệp hội Kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Việc thành lập hiệp hội chuyên về du lịch MICE sẽ góp phần hỗ trợ việc xây dựng chiến lược marketing, cải thiện hạ tầng phục vụ khách MICE. Đồng thời cũng hỗ trợ Tổng cục Du lịch trong việc xây dựng chiến lược thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Song song với đó, bản thân các doanh nghiệp cần thúc đẩy hợp tác, liên kết để kéo được những sư kiện lớn về Việt Nam. "Nếu như không có sự liên kết, hậu thuẫn thì doanh nghiệp Việt khó có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển" - ông Huyền khẳng định.