Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/7 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới”.

Phấn đấu thành trung tâm kinh tế biển

Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW với mục tiêu là đẩy mạnh phát triển KT-XH vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước, và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế, cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trên cơ sở đó, ngày 13/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg thành lập Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung gồm 5 tỉnh, TP: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Vùng KTTĐ miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững; là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW cho hay, Vùng KTTĐ miền Trung là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Vùng có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Vùng KTTĐ miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển. Lợi thế về phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tàu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế.

Vùng KTTĐ miền Trung được Nghị quyết 39-NQ/TW định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông- Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam pu chia và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Liên kết vùng còn nhiều hạn chế

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuần Anh cho rằng, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập. Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của TP Đà Nẵng chưa cao.

Lãnh đạo 5 tỉnh Vùng KTTĐ miền Trung đối thoại tại tọa đàm. 
Lãnh đạo 5 tỉnh Vùng KTTĐ miền Trung đối thoại tại tọa đàm. 

Cùng với đó, tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là tài nguyên biển; tỷ lệ lao động lành nghề thấp; thiếu hụt lao động chất lượng cao; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế…

Đặc biệt, cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...) nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn

TS Trần Du Lịch - nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đưa ra một số giải pháp cụ thể cho vùng KTTĐ miền Trung:

Thứ nhất, từ kinh nghiệm thực tiễn của 20 năm vừa rồi, nên thực hiện việc quy hoạch tốt hơn, nhất là tiểu vùng kinh tế nó gắn kết cơ cấu hình thành nó rõ rệt trên 4 lĩnh vực, 1 là phân bố lực lượng sản xuất, 2 kết nối hạ tầng giao thông, 3 là đào tạo nguồn nhân lực, 4 là giải quyết môi trường chung. Bốn lĩnh vực phải liên kết phát triển sau lần này.

Thứ hai, trong tương lai tiếp tục xác định là vùng kinh tế trọng điểm để có một số chính sách cần thiết tạo cái động lực cho vùng này phát triển.

“Tôi tin rằng, sau tổng kết có một nghị quyết mới cho vùng này thì có thể tạo động lực mới cho sự phát triển. Tiếp đến, thế mạnh từng địa phương lĩnh vực gì thì trong quy hoạch tổng thể vùng bố trí lực lượng sản xuất cho phù hợp để không trùng lặp. Nếu trùng lặp thì bố trí lại tạo cơ chế liên kết”, TS Trần Du Lịch nói.