Theo ông Trí, để chủ động nguyên liệu trong chế biến, nhiều năm qua, doanh nghiệp liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, thị trường dừa của Việt Nam chịu sự chi phối lớn của thương lái Trung Quốc. Khi thương lái Trung Quốc cần, có thể đẩy giá dừa lên rất cao. Khi đó, vấn đề liên kết bao tiêu sản phẩm có nguy cơ bị phá vỡ. Một bộ phận không nhỏ người dân sẽ không màng tới các điều khoản trong hợp đồng, mang sản phẩm của mình đi bán với giá cao.
Ông Trí cho rằng: “Khi giá thấp, chúng tôi chia sẻ khó khăn với bà con, mua đúng giá sàn thì khi thị trường biến động, bà con cũng phải chia sẻ với chúng tôi. Bà con chạy theo thương lái Trung Quốc, vô tình đã làm cho thị trường dừa biến động thất thường, mất tính ổn định bền vững của ngành dừa”.
Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “xứ dừa” của cả nước với diện tích khoảng 70.000 ha. Sản lượng dừa của tỉnh năm 2016 đứng đầu cả nước với số lượng ước đạt hơn 594 triệu trái. Đặc biệt, trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu dừa của Bến Tre đạt khoảng 150 triệu USD, chiếm tới 21 % giá trị tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Từ lâu, cây dừa đã trở thành cây trồng chủ lực và có vai trò quan trọng phát triển kinh tế của địa phương này.
Tuy nhiên, hiện nay ngành dừa bến tre đang đứng trước những thách thức. Gần đây do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn làm cho năng suất dừa bị giảm trên 50% nên giá tăng cao nhưng nông dân không có dừa để bán. Một số doanh nghiệp nhỏ chưa chủ động nguồn nguyên liệu đành chấp nhận đóng cửa khi giá dừa lên cao.