Tại hội nghị "Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội" do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) tổ chức mới đây, giới chuyên môn cho rằng, nếu DN và trường nghề có sự liên kết chặt chẽ, không chỉ DN, nhà trường mà cả học sinh, sinh viên (SV) đều có lợi; và chất lượng đào tạo nghề cũng được nâng lên.
Nhiều lợi ích
Theo đánh giá của các DN, kỹ năng nghề của học viên tốt nghiệp các trường nghề đã được nâng lên. Minh chứng là 80 - 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, 30% có kỹ năng nghề từ khá trở lên. Đặc biệt, kỹ năng của một bộ phận lao động thuộc lĩnh vực viễn thông, dầu khí, điện, cầu đường… đã đạt chuẩn quốc tế, đảm nhận được các vị trí công việc mà trước đây phải do người nước ngoài thực hiện. Tuy nhiên, nhân lực có tay nghề cao lại chưa đáp ứng được yêu cầu, rất nhiều SV sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vẫn không thích ứng được với công việc. Thế nên, các DN khó tìm được lao động vừa ý, hoặc sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Minh - Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Giao thông Vận tải T.Ư I thẳng thắn nhìn nhận: "Đó là do đào tạo nghề ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở dạy nghề và DN chưa có sự liên kết chặt chẽ. Bản thân trường CĐ Nghề Giao thông Vận tải T.Ư I đã liên kết với nhiều DN để hỗ trợ người học tìm việc, thực tập, tìm hiểu thực tế... Nhưng do chưa thường xuyên lấy ý kiến đơn vị sử dụng lao động về chất lượng làm việc của học viên sau khi ra trường, nên nội dung chương trình đào tạo chưa thật sự sát với nhu cầu".
Trong khi đó, nếu DN và trường nghề "bắt tay" chặt thì không chỉ chất lượng đào tạo nghề được nâng lên mà cả ba bên cùng có lợi. Như chia sẻ của ông Trương Huỳnh Như - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Nghề Bà Rịa - Vũng Tàu: "Năm 2013, nhà trường phối hợp với 18 DN xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của chính đơn vị liên kết. Phần lý thuyết đào tạo tại trường, phần nâng cao và kỹ năng đào tạo tại DN. Nhờ đó, SV không chỉ được thực hành mà còn được làm việc như một công nhân thực thụ. Cho nên, họ được DN trả lương và nhận vào làm sau khi ra trường. Trong khi đó, DN không phải mất công đào tạo lại, còn nhà trường cũng đỡ một phần kinh phí". Là đơn vị có nhiều năm hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao nghề hàn với trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội, ông Mamoru Kato - đại diện Công ty Kyosan Kogyo (Nhật Bản) cho biết: "Các SV của Việt Nam rất ham học hỏi, khả năng tiếp thu nhanh. Nếu sớm được tiếp cận với trang thiết bị, công việc thực tế, họ sẽ có kỹ năng tốt khi ra trường. Vì thế, với mỗi ngành nghề, các trường cần kết hợp với một xưởng sản xuất, chế tạo thực tế để SV được thực hành nhiều hơn và phù hợp với yêu cầu của người tuyển dụng lao động".
Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp
Với xu thế hội nhập, yêu cầu về nguồn lao động kỹ thuật có chất lượng ngày càng cao, nên đây là lúc cần liên kết chặt chẽ giữa các trường nghề và DN hơn bao giờ hết. Vì thế, ông Minh đưa ra giải pháp: "Các trường cần chủ động khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực của các DN trong và ngoài ngành hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng thời, nắm bắt định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để xác định ngành nghề đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp nhu cầu thực tiễn". Còn lãnh đạo trường CĐ Nghề Cơ giới và Thủy lợi đưa ra gợi ý với các DN: "DN phải xóa bỏ định kiến rằng, SV mới tốt nghiệp không có kinh nghiệm làm việc. DN nào ký hợp đồng tuyển dụng với trường đào tạo thì hàng năm hỗ trợ cho SV nghiên cứu khoa học và trao học bổng cho SV có thành tích xuất sắc. Việc này vừa giúp SV có động lực phấn đấu, vừa tạo quan hệ chặt chẽ với nhà trường". Về phía DN, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng: "Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN hỗ trợ cho các trường, như cho phép DN khấu hao kinh phí trong việc hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực; được tuyển những SV có tay nghề cao đã từng thực hành tại DN… thì mới khuyến khích các đơn vị tuyển dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo. Các DN và trường nghề cũng cần chủ động tìm đối tác để cùng phối hợp đào tạo đội ngũ lao động phù hợp yêu cầu thực tiễn".
Rõ ràng, chất lượng dạy nghề phụ thuộc rất nhiều vào sự liên kết giữa trường nghề và DN. Đây là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của chính DN, trường nghề và học sinh, SV.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề công nghệ cao thực hành môn cơ khí. Ảnh: Thanh Hải
|