Áp dụng tiêu chuẩn này giúp đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác và kết quả sẽ được liên thông giữa các cơ sở y tế, giảm thủ tục và chi phí cho bệnh nhân.
Giảm chi phí và thời gianMới đây, BV T.Ư Quân đội 108 được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế tại một số khoa: Sinh hóa, Huyết học, Miễn dịch và Khoa sinh học phân tử. PGS.TS Phan Quốc Hoàn - Chủ nhiệm Khoa Sinh học phân tử của BV cho biết, việc triển khai hệ thống quản lý này, trong trường hợp bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh, có thể sử dụng kết quả xét nghiệm tại đây mà không phải làm lại xét nghiệm. Hiện kết quả xét nghiệm của BV T.Ư Quân đội 108 được công nhận tại nhiều BV trong khu vực và trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Đức, Pháp…
|
Xét nghiệm phân lập virus cúm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Ảnh: Trà Long |
Trước đó, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã áp dụng các quy trình vận hành theo tiêu chuẩn y tế quốc tế ISO 15189 cho một số khoa cận lâm sàng. Sau khi áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, luồng bệnh phẩm được kiểm soát chặt chẽ ở cả 3 khâu trước, trong và sau khi xét nghiệm; đảm bảo “3 đúng” (đúng người bệnh, đúng thời gian, đúng vị trí).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, muốn công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương nhau. Tại Việt Nam, do năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị chưa đồng đều giữa các cơ sở y tế, các tuyến điều trị, gây khó trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Hiện đã có 38 BV liên thông kết quả xét nghiệm, theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng tỉnh, TP. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo tính toán của Bộ Y tế, mỗi năm có tổng số 475 triệu xét nghiệm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Chỉ cần giảm được khoảng 1% số ca xét nghiệm và tính trung bình mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng, thì mỗi năm, viện phí giảm được gần 240 tỷ đồng.
Nhiều việc phải làmDù 38 BV đã liên thông kết quả xét nghiệm, nhưng số xét nghiệm được liên thông vẫn còn rất ít. Tại BV Bạch Mai, mỗi năm thực hiện trên 11 triệu xét nghiệm hóa sinh, hơn 1 triệu xét nghiệm huyết học và 1,4 triệu xét nghiệm vi sinh…, nhưng so với danh mục 65 xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh mà Bộ Y tế cho phép liên thông kết quả xét nghiệm vẫn quá ít so với thực tế. Hơn nữa, theo TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai, BV chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Chưa kể với rất nhiều loại xét nghiệm, kết quả có thể thay đổi theo từng giờ. Do vậy, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững, không phải thực hiện lại; còn đa số xét nghiệm khác, nếu không cho làm lại, bác sĩ rất khó chẩn đoán và chỉ định điều trị.
Bên cạnh đó, hiện trình độ nhân lực ở các phòng xét nghiệm tại các BV chưa đồng đều, từ bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, điều dưỡng ở nhiều nơi cũng được huy động để thực hiện quy trình xét nghiệm. Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ nhân viên có chuyên ngành xét nghiệm ở tuyến tỉnh đạt hơn 70%, tuyến T.Ư đạt 67%, tuyến huyện đạt 65,4%. Trình độ của nhân viên có chuyên ngành xét nghiệm đa số là cao đẳng, trung cấp chiếm gần 60%, đại học 31,9%, sau đại học 8,3%. Vì thế, để liên thông xét nghiệm trên toàn quốc còn rất nhiều việc phải làm.
Dù vậy, theo lãnh đạo Bộ Y tế, đích hướng tới của việc liên thông này không chỉ là kết quả xét nghiệm, mà còn là kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm và đặc biệt là các thông tin của người bệnh. Khi được liên thông, bác sĩ chỉ cần “bấm nút” là có thể truy xuất được thông tin cả quá trình điều trị trước đó của người bệnh.