Liên tiếp 7 trận động đất tại Sơn La, chuyên gia nói gì?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành của Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở tỉnh Sơn La.

 Ảnh: Báo Sơn La
Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, vào hồi 1 giờ 26 phút 42 giây (giờ GMT) tức 8 giờ 26 phút 42 giây (giờ Hà Nội) sáng nay (28/7), một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.922 độ vĩ Bắc, 104.737 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Như vậy, đây là lần rung chấn thứ 7 liên tiếp được ghi nhận tại khu vực này trong 24 giờ qua. Cụ thể, vào hồi 12 giờ 14 ngày 27/7/2020, trận động đất có độ lớn 5,3 độ xảy ra tại tọa độ: 20,83 độ vĩ Bắc, 104,65 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km thuộc khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Với trận động đất này, người dân các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cảm nhận rõ đợt rung lắc nhẹ.
Sau đó đã xảy ra 4 dư chấn tiếp theo với cường độ lần lượt: 3,0 độ; 3,0 độ; 3,8 độ và 3,3 độ. Đến 6 giờ 17 sáng nay tiếp tục xảy ra dư chấn với cường độ 3,3 độ.
Theo báo cáo nhanh Văn phòng Ban chỉ đạo PCTT&TKCN Sơn La, đã có 3 trụ sở UBND xã bị lún, nứt tường; 2 nhà văn hóa, 2 trạm y tế bị sập trần nhựa, lún nứt tường; 1 trường học bị nứt tường; 127 nhà dân bị lún, nứt tường, vỡ ngói, sập trần nhựa; 1 xe ô tô hư hỏng do đá rơi.
TS Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, những trận động đất trên xảy ra tại đứt gãy sông Đà, một đới đứt gãy đang hoạt động mạnh ở vùng Tây Bắc. Hiện nay, đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học đầu ngành của Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát hiện trường, đánh giá nhận định về tình hình hoạt động động đất ở đây.
Các nhà khoa học cũng nhận định, những trận rung chấn liên tiếp thời gian gần đây la cho thấy vùng Tây Bắc nước ta đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất.
Trong khi đó, trả lời báo chí, PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, những trận động đất vừa xảy ra ở các tỉnh Tây Bắc là điều bình thường, phù hợp với quy luật và không có đột biến.
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, hoạt động động đất có chu kỳ nhất định, thường trong 1 khu vực sẽ có 1 thời gian không xảy ra động đất được gọi là thời kỳ yên tĩnh động đất. Đây là thời ký tích lũy năng lượng trong vỏ Trái đất, khi năng lượng tích luỹ đến mức tối đa sẽ chuyển sang khoảng thời gian có động đất liên tục, được gọi là thời kỳ động đất tích cực.
Khu vực Tây Bắc nước ta cũng có thời gian yên tĩnh và thời gian hoạt động mạnh. Từ năm 1996, sau trận động đất Mường Luân đến nay cho thấy khu vực này đã bắt đầu vào giai đoạn hoạt động tích cực.
Thực chất các trận động đất thời gian qua không hẳn là các trận động đất khác nhau ở cùng 1 nơi mà chỉ có 1 trận động đất chính, các trận động đất tiếp theo được coi là các dư chấn của trận động đất chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần